Hiểm họa lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Trong bối cảnh châu Âu đang đau đầu tìm lời giải sự bùng phát của khuẩn E.coli chủng mới kháng thuốc tại khu vực này, tờ Independent (Anh) ngày 17-6 đã có bài viết chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của các siêu khuẩn hiện nay.
Hiểm họa lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Trong bối cảnh châu Âu đang đau đầu tìm lời giải sự bùng phát của khuẩn E.coli chủng mới kháng thuốc tại khu vực này, tờ Independent (Anh) ngày 17-6 đã có bài viết chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của các siêu khuẩn hiện nay.

  • Khuẩn kháng thuốc do… kháng sinh

Việc sử dụng các loại kháng sinh mới tại các trang trại ở Anh tăng mạnh trong thập niên qua. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật kháng thuốc, “lờn” với các loại thuốc sử dụng để chữa trị cho con người. Việc sử dụng 3 loại kháng sinh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều trị bệnh cho con người gồm cephalosporin, fluouroquinolone và macrolide đã tăng gấp 8 lần trong 10 năm qua tại Anh.

Trong thời gian này, số lượng đàn vật nuôi sụt giảm: 27% đối với heo, 10% đối với gia súc và 11% đối với gia cầm. Các chuyên gia cho biết tại những trang trại lớn với hàng ngàn vật nuôi phải sống trong điều kiện chật hẹp, các bệnh về lây nhiễm lây lan với tốc độ chóng mặt và điều này đồng nghĩa với việc các chủ nông trại phải sử dụng kháng sinh nhiều hơn.

Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.

Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.

Chính việc sử dụng vô tội vạ kháng sinh trong các đàn vật nuôi được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc. Tháng trước, các nhà khoa học Anh đã tìm ra MRSA (viết tắt của Methicillin-resistant Staphylococcus aureus - loại vi khuẩn có khả năng kháng cự cao với một số loại kháng sinh) trong sữa bò. Đây là lần đầu tiên vi khuẩn kháng thuốc tồn tại trong cơ thể vật nuôi được phát hiện tại trang trại ở Anh. Điều này đang dấy lên lo ngại khả năng lây nhiễm vi khuẩn từ gia súc sang người.

Vụ bùng phát dịch E.coli tại Đức làm 39 người tử vong, hơn 3.300 người nhiễm bệnh thời gian qua được cho là do lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

  • Hàng trăm siêu khuẩn xuất hiện mỗi năm

Ngày 17-6, Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh (HPA) công bố những số liệu mới nhất, cho thấy sự gia tăng của các vi khuẩn kháng carbapenem, loại kháng sinh mới và rất mạnh. Các loại vi khuẩn kháng thuốc đầu tiên được phát hiện vào năm 2003. Đến năm 2007, mỗi năm người ta lại phát hiện ra không ít hơn 5 loại vi khuẩn kháng thuốc.

Tháng 5-2011, có tổng cộng 657 loại đã được phát hiện, nhiều gấp 2 lần so với tổng số các loại vi khuẩn kháng thuốc năm 2010. Điều này đang làm xói mòn nỗ lực điều trị các siêu khuẩn. Theo WHO, ước tính 25.000 người/năm tại châu Âu tử vong do bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.

HPA, Cơ quan Dược phẩm châu Âu và các nhà khoa học độc lập đồng loạt cảnh báo mối quan hệ giữa cephalosporin và MRSA. Mark Holmes, giảng viên khoa Thú y tại ĐH Cambrigde, trưởng nhóm nghiên cứu về MRSA, cho biết việc sử dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tình trạng phát triển rầm rộ các loại vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể động vật, bao gồm cả E.coli và salmonella.

  • Chính phủ phải vào cuộc

Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp bất khả kháng và phải có xác nhận của các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, tại Anh, thuốc kháng sinh rất thông dụng trong chăn nuôi, được dùng để ngăn ngừa viêm vú, nhiễm trùng vú, những bệnh thường gặp sau khâu vắt sữa. Anh hiện là quốc gia duy nhất tại EU cho phép các công ty dược cung cấp trực tiếp thuốc kháng sinh cho nông dân.

Hiệp hội Đất trồng của Anh đã kiến nghị chấm dứt việc sử dụng kháng sinh tại các nông trang nuôi bò sữa và yêu cầu tăng cường kiểm tra MRSA đối với vật nuôi, công nhân làm việc tại trang trại, sữa và thịt. Các nhà khoa học đã không ngừng cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng điều tệ hại hơn hiện nay đó là các loại kháng sinh mới không kịp ra đời để trị các loại khuẩn kháng lại kháng sinh.

Tháng trước, WHO cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh có thể đẩy thế giới vào kỷ nguyên tiền kháng sinh, thời kỳ các bệnh truyền nhiễm không thể được điều trị. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục