Hiểm họa rình rập tuổi thơ

Liên tiếp hai vụ đuối nước tập thể xảy ra ở Long An và Khánh Hòa trong vòng chưa đầy 3 ngày qua đã lấy đi sinh mạng của 7 đứa trẻ vô tội.

Liên tiếp hai vụ đuối nước tập thể xảy ra ở Long An và Khánh Hòa trong vòng chưa đầy 3 ngày qua đã lấy đi sinh mạng của 7 đứa trẻ vô tội. Trước đó, chiều 4-5, có 4 học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã bị “hà bá” cướp đi tính mạng khi rủ nhau ra tắm ở bãi biển thuộc xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), gặp dòng nước xoáy.

Chưa đầy 48 giờ sau, trưa 6-5, 3 em học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học xã Tân Tây (ở ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Long An) đã mãi mãi không thể cùng bạn bè cắp sách tới trường được nữa sau khi cùng nhau ra kênh Nam Lộ (ở ấp 1) bơi lội. Trước đó, dư luận bàng hoàng, đau xót trước vụ 9 học sinh nam lớp 6B, Trường THCS Nghĩa Hà (ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã phải bỏ mạng dưới lòng sông Trà Khúc chỉ vì đuối nước.

Rõ ràng nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt hoạt động bơi lội của trẻ em là điều không thể thiếu được trong cuộc sống tuổi thơ, nhất là vào những ngày thời tiết nóng bức. Tuy nhiên song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng trẻ nhỏ khi mà hiện nay việc phổ biến, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ em Việt Nam vẫn rất hạn chế, dẫn tới những vụ tai nạn đuối nước tập thể rất thương tâm. Thậm chí, tai nạn đuối nước còn trở thành một vấn đề xã hội nóng bỏng khi mỗi năm có rất nhiều trẻ em vô tội bị “thủy thần” cướp đi tính mạng, để lại nỗi đau xót khôn cùng cho những người thân, bạn bè, thầy cô, đồng thời gây bất an cho xã hội.

Khảo sát mới đây nhất về tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em nước ta do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em và vị thành niên ở nước ta. Mỗi năm, cả nước có gần 7.000 trẻ em chết đuối và vẫn có xu hướng gia tăng. Đáng báo động, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam chiếm vị trí thứ hai sau tai nạn giao thông, cao gấp hai, ba lần tỷ lệ bình quân của thế giới. Còn so với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trên 50% các trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển.

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đuối nước ở trẻ em nước ta đang ở mức báo động. Trong đó có những nguyên nhân khách quan như: môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn cho trẻ, hay nguyên nhân chủ quan là nhiều em quá ham chơi, trốn cha mẹ, người lớn tự ý đi bơi lội ở những khu vực ao, hồ, sông, suối nguy hiểm. Tuy nhiên, dù có đổ lỗi cho nguyên nhân, hoàn cảnh nào đi nữa thì không thể phủ nhận được rằng, người lớn vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Bởi lẽ, trước tình trạng trẻ em đuối nước ngày càng gia tăng, vấn đề dạy bơi cho trẻ trong trường học đã được đề cập lâu nay, nhưng số địa phương, trường học đang thực hiện phổ cập bơi lội cho trẻ em vẫn rất khiêm tốn.

Hơn nữa, không ít vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở những nơi mà ra người lớn biết rõ là có nguy hiểm nhưng lại không hề có biển cảnh báo, hay cắt cử người trông coi để ngăn chặn trẻ em tới vui chơi. Rõ ràng chỉ vì sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của người lớn mà đã khiến không ít trẻ nhỏ thiệt mạng oan uổng do đuối nước.

Mùa hè đã tới. Để tránh những tai nạn đáng tiếc, thương tâm xảy ra do đuối nước rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, gia đình và nhà trường để xây dựng môi trường sống và vui chơi an toàn cho trẻ em. Hơn nữa, trong “cuộc chiến” với nạn đuối nước ở trẻ em thì gia đình và nhà trường phải là nhân tố quan trọng hàng đầu. Các em nhỏ cần được quan tâm, trông nom, chăm sóc nhiều hơn của gia đình, đặc biệt với trẻ em ở vùng nông thôn, nơi có nhiều kênh rạch, ao hồ nguy hiểm cần phải được truyền dạy và luyện tập những kỹ năng, kiến thức về bơi lội an toàn.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục