Trong khi việc quản lý sách điện tử còn đang có nhiều bất cập thì làn sóng truyện online - chủ yếu được du nhập từ nước ngoài đã tràn lan trên cộng đồng mạng. Các bạn trẻ (phần lớn là tuổi teen) đang truyền tai nhau về một loạt những cái tên truyện rất “nóng”…
Đội lốt giáo dục giới tính
Dạo một vòng trên facebook của giới teen có thể dễ dàng bắt gặp những chia sẻ liên kết của hàng loạt các trang web với những dòng chữ có vẻ như tư vấn: “Đọc cho biết” hay “Tìm hiểu để lớn khôn nha…”. Nhiều bạn trẻ tò mò tưởng đây là một loại sách giáo dục giới tính nên click vào để tìm hiểu. Đến khi lỡ biết rồi thì đã nghiện từ khi nào không hay.
Thực chất đây là những trang web chuyên dịch truyện từ nước ngoài, nguy hiểm hơn đa phần lại là truyện tranh có hình vẽ minh họa rất chi tiết… chủ yếu du nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… được một số cá nhân tự tổ chức dịch rồi tung lên mạng. Nội dung và hình ảnh của loại truyện này hoàn toàn không phải là sách giáo dục giới tính mà nguy hiểm hơn, đây là các loại sách tập trung khai thác về đề tài tình dục. Không chỉ dừng lại ở những ngôn từ dịch thô thiển, hình ảnh phản cảm, chi tiết gợi dục, một số truyện còn miêu tả cả các quan hệ bệnh hoạn giữa người với thú, về các quan hệ đồng tính…
Gần đây, trên một số trang web loại này còn tung ra một số truyện có tên giống như sách thiếu nhi đã được phép xuất bản như: Bảy viên ngọc rồng, Naroto, Thám tử lừng danh Conan… nhưng lại được vẽ theo phong cách truyện khiêu dâm, gợi dục. Điều này tạo nên nhầm lẫn, khơi gợi những hình ảnh về các nhân vật đã trở nên thân thuộc trong bộ truyện gốc nhằm kích thích sự tò mò của giới trẻ.
Ở một số nước, đặc biệt là ở Nhật Bản, từ xa xưa đã có thể loại truyện tranh dành riêng cho người lớn (Hentai). Sự khác biệt về văn hóa cũng như những bất cập về quản lý khiến một số cá nhân đưa những loại sách này vào Việt Nam và gây nên sự nhầm lẫn là sách giáo dục giới tính.
Theo Thạc sĩ tâm lý Lê Khắc Mỹ Phượng, ở rất nhiều nơi trên thế giới, thậm chí là ở một số nước phát triển, Hentai vẫn là một loại văn hóa phẩm bị cấm, không được phép phổ biến rộng rãi. Việc tung các loại sách này lên trên mạng đã gây những tác động không nhỏ đến giới trẻ. Việc tiếp cận quá sớm những thể loại truyện có nội dung dung tục sẽ dễ gây nghiện và dẫn đến sự phát triển sai lệch về tâm sinh lý.
Tự bảo vệ mình
Trước đây, khi các loại truyện trên xuất hiện trên thị trường sách dịch, các bậc phụ huynh còn có thể ngăn cấm con em khi nhìn sơ qua nhan đề, các nhà quản lý cũng dễ dàng truy cứu trách nhiệm của các nhà xuất bản. Hiện nay, khi nội dung gợi dục, khiêu dâm xuất hiện dưới dạng truyện manga hoặc truyện tranh trên online thì các thể loại này trở nên vô cùng khó kiểm soát.
Sự phát triển của mạng xã hội khiến những sản phẩm văn hóa độc hại này như cơn bệnh dịch đang lây lan một cách nhanh chóng. Chỉ cần một cú click chuột là mỗi cư dân mạng đã có thể chia sẻ đường link với nhau một cách dễ dàng và người nọ nối tiếp người kia đưa những hình ảnh dung tục lan tỏa khắp nơi, khắp chốn. Đến nỗi, bị ảnh hưởng của trào lưu này, một số bạn trẻ còn tự chế ra các clip sử dụng hình ảnh hay câu từ của nhân vật trong truyện rồi phổ biến trên mạng. Ngôn ngữ của giới trẻ ở ngoài cuộc sống cũng dần bị chịu ảnh hưởng bởi những lời thoại trong truyện, những tiếng lóng ám chỉ những từ ngữ ẩn ý. Thậm chí, ai không biết còn bị xem là quê mùa…
Để né các cơ quan quản lý và phụ huynh, nhiều trang web chuyên kinh doanh loại truyện này gần đây có bổ sung dòng chữ “Truyện 18+” (dành cho người đọc trên 18 tuổi). Thế nhưng, độc giả thực sự của những trang web này thuộc độ tuổi nào thì không ai kiểm soát được bởi hầu hết các trang truyện online đều có thể truy cập mà không cần đăng nhập.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh, phụ trách tổ bộ môn Văn hóa xã hội (Trường Cán bộ TPHCM), do các bạn trẻ Việt Nam có quá ít kiến thức chính thống về giáo dục giới tính nên dễ tò mò và bị thu hút bởi những truyện tranh nước ngoài đề cập đến vấn đề tình dục. Trách nhiệm giải quyết vấn đề này vừa thuộc về cơ quan quản lý vừa thuộc về ý thức của gia đình lẫn người đọc. Nếu gia đình, nhà trường chủ động chỉ dạy cho con cái những kiến thức tình dục một cách khoa học thì bạn đọc trẻ sẽ không còn tò mò, không còn phải tự tìm hiểu bằng cách đọc truyện khiêu dâm trên mạng.
Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cấm: tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc… Việc nghiêm cấm bằng những quy định cũng chưa đủ, để ngăn chặn tận gốc tệ nạn này cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý thông tin truyền thông lẫn cơ quan văn hóa, giữa gia đình, nhà trường và xã hội. |
UYỂN NGỌC