Mặc dù y học thế giới đã có những bước tiến đáng kể, nhưng một trong những mối đe dọa tiềm tàng đối với tính mạng con người và sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu không phải là các căn bệnh nan y không có thuốc chữa, mà là tình trạng kháng thuốc kháng sinh đáng báo động hiện nay.
Kháng thuốc kháng sinh (AMR), phần lớn do sử dụng quá liều và lạm dụng, đã đến mức báo động. Thực tế, công chúng không hề nhận thức đúng mối nguy hiểm từ tình trạng AMR. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, lượng tiêu thụ thuốc kháng sinh toàn cầu tăng gần 40%. Ước tính tới năm 2050, tình trạng này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 100.000 tỷ USD.
Trong lịch sử y tế, thường khi một kháng sinh giảm tác dụng, lập tức người ta bào chế ra loại mới hiệu quả hơn. Nhưng theo trang Vox, thực tế chưa có thêm loại kháng sinh nào được “nâng cấp” từ các dòng kháng sinh phổ biến suốt từ năm 1987. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2014 về giám sát tình trạng kháng thuốc cho thấy, hàng loạt bệnh nguy hiểm trở nên khó kiểm soát do tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm như khuẩn E. coli, khuẩn gây viêm phổi Klebsiell, virus HIV, vi trùng lao và sốt rét.
Hàng năm, các bệnh nhiễm khuẩn do AMR đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50.000 người khắp châu Âu và Mỹ. Ước tính trên toàn thế giới, con số này phải lên đến tối thiểu 700.000 người, chiếm một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông, tiểu đường hoặc tiêu chảy gây ra. Theo ước tính của tờ Bloomberg số ra ngày 3-1, đến năm 2050, tổng số ca tử vong liên quan đến AMR có thể tăng lên hơn gấp 10 lần, khoảng 10 triệu ca mỗi năm, nhiều hơn số người chết vì bệnh ung thư trên toàn cầu hiện nay. Kinh tế thế giới cũng sẽ bị chao đảo khi chi phí để giải quyết nạn AMR lên đến 100.000 tỷ USD, gần bằng giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 năm của Mỹ gộp lại. Riêng tại Trung Quốc, các nhà khoa học ước tính đến năm 2050 có đến 1 triệu người có thể chết vì AMR mỗi năm. Chi phí giải quyết vấn đề này có thể khoảng 20.000 tỷ USD - tương đương 2 năm sản lượng đầu ra của Trung Quốc hiện nay.
Trung Quốc sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên của nhóm G20 vào năm 2016. G20 đã đóng góp tốt để đảm bảo thế giới không trượt sâu vào cuộc khủng hoảng toàn cầu kéo dài trong năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, tổ chức này đã đánh mất sự tập trung vào các trọng tâm khác, một trong số đó là AMR. Nếu Trung Quốc muốn hoàn thành tốt vai trò, thì đây là cơ hội. Chính phủ Trung Quốc nên đặt vấn đề AMR vào chương trình nghị sự của G20 bởi AMR hiện đang là một trong 5 thách thức của y tế thế giới. Giới khoa học cho rằng ngay từ bây giờ, Trung Quốc nên thúc đẩy mặt trận nghiên cứu về AMR và đổi mới phương pháp kiểm soát thuốc kháng sinh. Công nghệ hiện đại nên được triển khai tốt hơn để khuyến khích và thực thi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn quanh việc kê đơn và bán thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, các nước cũng nên tính tới những chi phí của việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp và cân nhắc các lựa chọn thay thế khác để bảo vệ sức khỏe con người.
HẠNH CHI