Hiểm họa từ tài trợ khủng bố

Báo chí Australia ngày 4-11 dẫn nguồn từ Cơ quan chống rửa tiền nước này (Austrac) cho biết số tiền tài trợ cho khủng bố đã tăng gấp 3 lần trong năm qua với 53 triệu AUD (38 triệu USD) được chuyển ra khỏi Australia để hỗ trợ các tay súng Hồi giáo. Cơ quan tình báo tài chính này ghi nhận có đến 367 trường hợp nghi ngờ chuyển tiền cho khủng bố trong giai đoạn 2014-2015, tăng so với con số 118 trường hợp của giai đoạn 2013-2014. Trong số 53 triệu AUD có 11 triệu AUD tiền mặt được sử dụng cho các cuộc tấn công và các hoạt động cá nhân, cũng như để duy trì các nhóm khủng bố và chi trả cho các thành viên gia đình những phần tử khủng bố đã chết.

Australia hiện đang trong tình trạng báo động cao về khả năng bị tấn công khủng bố, nhất là từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhiều người Australia từng ra nước ngoài tham chiến cùng IS sau đó trở lại quê hương trở thành hiểm họa lớn. Hiện có khoảng 120 người Australia được cho là đang chiến đấu cho IS và các nhóm phiến quân khác ở Iraq và Syria. Mặc dù Chính phủ Australia đã có nhiều biện pháp ngăn dòng tiền tài trợ khủng bố song xem ra số tiền này không giảm mà còn tăng.

Vấn đề ngăn chặn tài trợ khủng bố được Mỹ chú trọng từ sau sự kiện 11-9. Chính phủ Mỹ đã xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ để phá vỡ mạng lưới tài chính của al-Qaeda trên toàn cầu. Nhưng khuôn khổ này hiện chưa phù hợp để giải quyết mô hình tài chính của các nhóm như IS.

Nguyên nhân là do sự thay đổi thế hệ thủ lĩnh mới của các nhóm thánh chiến, theo đó ngày càng bớt phụ thuộc vào đầu não al-Qaeda, đồng thời áp dụng mô hình tự chủ về tài chính dựa trên sự kiểm soát lãnh thổ.

IS chẳng hạn, chúng khai thác các tài sản và các nguồn lực từ đất đai và dân số dưới sự kiểm soát của chúng. Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà phân tích chính trị người Italia Loretta Napoleoni cho rằng, nguồn thu chính của phiến quân IS là từ thu thuế. IS hiện kiểm soát các vùng đất với dân số lên tới 8 triệu người. Bất cứ ai sản xuất hay buôn lậu dầu thô đều phải nộp thuế. Cùng với đó, bà Napoleoni cũng cho hay, hoạt động buôn lậu tất cả các loại hàng hóa cũng đem đến một nguồn thu không nhỏ cho IS. Nguồn thu từ thuế do IS đánh vào mỗi người vượt qua biên giới do chúng kiểm soát để sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng mang về khoảng 500.000 EUR/tuần.

Dòng tiền từ các thành viên hoặc cựu thành viên nước ngoài của IS cũng là một đóng góp quan trọng, như trường hợp ở Australia. Dòng tài chính cá nhân này rất khó kiểm soát. Theo các chuyên gia chống khủng bố, những nhóm khủng bố như IS hiện đang liên kết với các băng đảng buôn bán ma túy, những kẻ chuyên đột nhập mạng lấy cắp tiền và cả gian lận bảo hiểm. Để hoạt động hợp pháp, các tập đoàn tội phạm thường thiết lập các công ty vỏ bọc để rửa tiền. Thậm chí, các quỹ từ thiện và hàng hóa viện trợ cũng được sử dụng để tài trợ cho bọn khủng bố. Năm 2008, Ủy ban điều tra của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khẳng định rằng, quỹ từ thiện Jamaat-ud-Dawa (Pakistan) chính là nơi núp bóng của nhóm vũ trang Lashkar-e-Taiba (LeT). Nhóm khủng bố này bị cáo buộc là chủ mưu của vụ tấn công Mumbai (Ấn Độ) làm 171 người thiệt mạng. Thay vì gửi tiền trực tiếp từ nước này sang nước khác, những kẻ khủng bố sẽ mua hàng hóa như đường, bột ngọt, dầu ăn hay các sản phẩm thiết yếu khác và khi tới những nước bị nội chiến, chúng dễ dàng rơi vào tay bọn khủng bố.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục