Hiện đại nhưng nguy hại

Báo Christian Science Monitor của Mỹ vừa có bài phân tích về thực trạng trẻ em nghiện những món đồ công nghệ đắt tiền, dễ tìm đến những trò chơi điện tử đậm tính bạo lực. Thực trạng này dẫn đến hậu quả trẻ nhỏ sẽ giảm dần khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân, khó hòa nhập cùng môi trường sống chung quanh.

Báo Christian Science Monitor của Mỹ vừa có bài phân tích về thực trạng trẻ em nghiện những món đồ công nghệ đắt tiền, dễ tìm đến những trò chơi điện tử đậm tính bạo lực. Thực trạng này dẫn đến hậu quả trẻ nhỏ sẽ giảm dần khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân, khó hòa nhập cùng môi trường sống chung quanh.

Bài viết dẫn số liệu thống kê thị trường tiêu dùng trong mùa Giáng sinh 2012 cho thấy hầu hết trẻ em Mỹ và nhiều nước khác mơ ước có món quà là một thiết bị di động, chủ yếu là máy tính bảng, điện thoại thông minh để chơi trò chơi điện tử trực tuyến. Thị trường trò chơi điện tử trực tuyến là mảnh mất màu mỡ để các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị di động khai thác. Hiện có khoảng 1,4 triệu trò chơi điện tử luôn sẵn sàng chờ được giao dịch trực tuyến. Đáng chú ý là hai trò chơi điện tử dẫn đầu danh sách bán chạy nhất chính là những trò chơi bạo lực, có những cảnh dàn trận bắn giết đẫm máu. Kết luận này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến sát thủ trẻ tuổi trong vụ xả súng tại Mỹ ngày 14-12 vừa qua, Adam Lanza. Theo kết quả điều tra, Adam nghiện trò chơi điện tử bạo lực trong một thời gian dài trước khi thực hiện vụ giết người hàng loạt.

Monitor cho rằng, đã đến lúc Chính phủ Mỹ, quốc gia dẫn đầu về công nghệ trò chơi điện tử và thiết bị di động thông minh cần khảo sát chi tiết mối liên hệ giữa những trò chơi bạo lực giả tưởng với hành vi thể hiện trong thực tế của mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Lời kêu gọi này không sớm nhưng cũng không quá muộn. Tuần trước, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã công bố những quy định mới nhằm tăng cường việc bảo mật thông tin cá nhân trực tuyến cho trẻ em. Đạo luật mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến phải được sự đồng ý của các bậc phụ huynh khi họ nhắm vào đối tượng trẻ em dưới 13 tuổi và phải cho biết rằng họ đang thu thập thông tin cá nhân của trẻ nhỏ.

Chuyên gia Lynn Schofield Clark thuộc Đại học Denver đã viết trong một nghiên cứu của mình về cách ứng xử của phụ huynh với thiết bị số hiện đại. Với những gia đình có mức thu nhập khá trở lên, họ có xu hướng dùng những thiết bị này như là công cụ hỗ trợ việc học tập cho con cái. Với những gia đình có mức thu nhập eo hẹp, đây như là một món đồ để giúp con họ tự tin nếu phải so sánh với bạn bè. Kiểm soát là điều khó khăn nên phụ huynh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của những nhà quản lý cũng như sự nhìn nhận nghiêm túc từ các nhà sản xuất, thiết kế trò chơi điện tử. Trong số 400 ứng dụng giải trí của Apple và Google được trẻ em yêu thích nhất, chỉ 20% được miêu tả đầy đủ về đặc điểm trò chơi, mức độ bạo lực để trẻ em tải về trong khi số còn lại lọt lưới dễ dàng với những hướng dẫn mập mờ.

Bài học kiểm soát trò chơi điện tử bạo lực thành công gần đây nhất là ở Hàn Quốc. Từ tháng 7 vừa qua, phụ huynh Hàn Quốc kiểm soát thời lượng và trò chơi của con mình, khống chế cả số tiền chi cho trò chơi điện tử. Trước đó, từ đầu năm 2012, một luật nổi tiếng khác cũng được áp dụng là quy định ngắt truy cập Internet của trẻ dưới 15 tuổi, từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Những luật trên dù vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều phía hưởng lợi từ ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nhưng rõ ràng, nó được dư luận đánh giá cao. Đó là điều không chỉ các quốc gia phát triển trò chơi điện tử mà cả những quốc gia có số người sử dụng phổ biến Internet nên học hỏi.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục