TPHCM đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch các vùng nông thôn, đặc biệt là các khu vực được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, khác với nhiều vùng nông thôn khác trong cả nước, nông thôn TPHCM đang chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa. PV Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, về vấn đề này.
Kết hợp hiện đại với cổ truyền
° PV: Thưa ông, TPHCM phải làm thế nào để giữ được “hồn quê với cây trồng và vật nuôi”, xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu phát triển?
° Ông TRẦN CHÍ DŨNG: TPHCM xác định vẫn phải giữ ổn định được một diện tích đất nông nghiệp phù hợp đủ để phát triển một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, kỹ thuật cao song song với việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật…theo hướng sử dụng đất hợp lý hơn. Công tác xây dựng nhà ở chẳng hạn, không nhất thiết chỉ làm nhà vườn mà sẽ hình thành những khu phố với các ngôi nhà liên kế phù hợp tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cũng là để tiết kiệm đất. Các công trình phục vụ dân sinh như chợ, siêu thị, bệnh viện….được xem xét phù hợp với đặc điểm đô thị hóa, thuận tiện về giao thông của khu vực. Công trình thương mại không nhất thiết chỉ là chợ truyền thống mà có xã sẽ xây dựng hẳn trung tâm thương mại, siêu thị như các khu đô thị hiện đại. Các ấp, các xã có thể liên kết xây dựng chung cơ sở văn hóa - thể dục thể thao. Trạm y tế, ngoài các phương tiện chữa bệnh hiện đại có thể có thêm vườn thuốc Nam để giới thiệu, nhắc nhở về truyền thống y học của dân tộc ta. Các trục đường nông thôn sẽ được cải tạo và nâng cấp nhưng vẫn cần quy hoạch dành quỹ đất cho việc xây dựng các trục đường giao thông lớn, phục vụ cho quá trình đô thị hóa trong tương lai.
° Thưa ông, hiện nay các huyện nông thôn ngoại thành TPHCM đều đã có quy hoạch hoặc ít nhất có chủ trương xây dựng các đô thị mới như đô thị Tây Bắc ở huyện Củ Chi, đô thị cảng Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè… Việc quy hoạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở đây như thế nào?
° Hai vấn đề này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Trong các khu vực được quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, TPHCM sẽ có cơ chế đầu tư hoặc thu hút đầu tư phát triển đô thị. Ở các khu vực còn lại, TP tập trung cho công tác xây dựng nông thôn mới với định hướng phát triển như tôi nói trên.
Xây dựng nông thôn mới với lộ trình phù hợp
° Tuy chưa bị ô nhiễm trầm trọng như nhiều khu vực nội thành nhưng nhiều nơi ở ngoại thành TPHCM cũng bị ô nhiễm nặng nề. Không ít nhà máy, xí nghiệp được xây dựng ngay trên các ruộng lúa, vườn cây… Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới có tính toán đến việc di dời, sắp xếp, quy hoạch lại các nhà máy, xí nghiệp này?
° Nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xây dựng ở khu vực không phù hợp với quy hoạch sẽ phải di dời vào các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp của TP. Lộ trình quy hoạch, sắp xếp này cũng như việc phát triển các khu công nghiệp sẽ được tính toán trên cơ sở đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế của khu vực.
Nói tóm lại, quy hoạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới sẽ được tiến hành khẩn trương nhưng cũng cần mềm dẻo, có lộ trình thực hiện phù hợp với khả năng thực tế để tránh quy hoạch không khả thi.
Hiện nay thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở Quy hoạch -Kiến trúc đã hoàn thiện đề án nghiên cứu về mẫu nhà ở nông thôn TP. Đây là những mẫu nhà phù hợp với khả năng xây dựng của người dân, có tính toán đến việc lưu giữ những nét kiến trúc truyền thống của dân tộc, đặc biệt phù hợp mô hình nông nghiệp hiện đại với đặc trưng thiên nhiên của nông thôn TP, giúp người dân sống hòa hợp với thiên nhiên và góp phần bảo vệ môi trường. TPHCM cũng đang tính đến việc hoàn thiện một cơ chế tài chính giúp người dân nông thôn vay tiền xây nhà, để bộ mặt nông thôn TP ngày càng khang trang. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu cho hiện tại vừa phù hợp với quá trình đô thị hóa trong tương lai.
NGUYỄN KHOA