
“Dù cuộc sống còn nghèo khổ nhưng muốn bà con mình có nhà văn hóa để sinh hoạt, phổ biến những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần đoàn kết, phấn đấu sản xuất, nên mình đồng ý cho lấy đất…”. Ông là trưởng thôn Thọ An, Phó bí thư chi bộ Đảng - Trụ Văn Hải, người dân tộc Kor ở xã Bình An, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), đã hiến hơn 500m2 đất vườn của mình cho thôn xây dựng nhà văn hóa, nhường luôn một suất nhà thuộc diện 134 cho người nghèo hơn mình.
Đảng viên đi trước

Ông Trụ Văn Hải
Ông Phạm Văn Âu, một người trong thôn cho biết: Cách đây gần 2 năm, chương trình phát triển nông thôn có kế hoạch đầu tư, xây dựng cho đồng bào Kor ở Thọ An một nhà văn hóa với kinh phí trên 120 triệu đồng. Tuy nhiên, khi khảo sát xây dựng thì bị vướng do ở trung tâm thôn không có quỹ đất để xây dựng. Thấy vậy, ông Trụ Văn Hải đã nhiệt tình hiến trên 500m2 ở phía sát đường chính của xã, tiện cho bà con đi lại sinh hoạt văn hóa.
Sau khi ngôi nhà hoàn thành, ông xin nhận trách nhiệm trông coi, bảo quản và mở cửa mỗi khi có hội họp, sinh hoạt; đồng thời từ chối nhận tiền đền bù hoa màu trên mảnh đất đó.
Sau khi tham quan nhà văn hóa xong, chúng tôi gặp ông Hải – ông đang đi vận động bà con chuẩn bị họp để phổ biến kế hoạch sản xuất vụ lúa nước mới. “Từ mấy năm nay, đồng bào Kor ở Thọ An nhờ có cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn nên đã biết trồng lúa nước. Nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật canh tác, năng suất vẫn còn thấp lắm. Mình chuẩn bị họp bà con phổ biến lịch thời vụ, xuống giống sao cho đúng để có năng suất cao, no cái bụng”, ông Hải nói.
Ông Âu góp lời: “Ông là phó bí thư chi bộ Đảng của thôn nên cái gì cũng gương mẫu làm trước và chấp hành tốt những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước”. Ông Hải cười: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, rồi cả hai cùng cười.
“Có người còn nghèo hơn mình”

Nhờ có đất của ông Hài, nhà văn hóa được xây dựng ở trung tâm thôn
Hỏi sao ông không nhận tiền đền bù hoa màu và tài nguyên đất, ông Hải tâm sự: “Mình có sức khỏe, có đất, biết chăn nuôi trâu, bò, lại tham gia bảo vệ và chăm sóc rừng của dự án nên cũng có thu nhập”. Sau khi có chủ trương giao đất trồng rừng, ông Hải đã mạnh dạn khai hoang, đầu tư trồng hơn 20ha keo lai, nuôi 6 con bò, khai hoang hơn 6.000m2 trồng hoa màu... nên cuộc sống ngày một khá hơn và ông đã làm được nhà cửa khang trang, mua sắm được ti vi, xe máy... “Thời điểm hiến đất xây dựng nhà văn hóa, gia đình ổng rất nghèo, ở trong ngôi nhà xâïp xệ, trời nắng đứng trong nhà nhìn thấy mặt trời, còn trời mưa thì vừa ngủ vừa... che cho nước mưa khỏi dột vào giường”, ông Âu cho biết.
Thấy vậy, bà con trong thôn đã ưu tiên cho gia đình ông Hải suất làm nhà đầu tiên theo chương trình 134. Thế nhưng, “tui nhường lại cho người nghèo hơn và khó khăn hơn gia đình tui”. Ngừng một lát, ông Hải đưa tay lên nhẩm tính: Thôn Thọ An, xã Bình An là xã miền núi có số lượng đồng bào dân tộc nhiều nhất của huyện Bình Sơn, với 129 hộ, 827 nhân khẩu, trong đó có 107 hộ khó khăn có nhu cầu hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà.
Từ năm 2005 đến nay, thực hiện chương trình 134 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo, xã đã rà soát, lập danh sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho 100 hộ. Hiện thôn chỉ còn 6 hộ đang khó khăn về nhà ở, “mục tiêu năm nay sẽ xóa hết”.
Nhẩm đến đây, tôi thấy mắt ông ánh lên một niềm vui, niềm vui của một người biết nghĩ cho nhiều người. Có lẽ cũng vì thế nên ông Hải được bà con tôn trọng, nể phục và tin tưởng, tín nhiệm bầu làm trưởng thôn trong suốt 10 năm qua. Ở cương vị đó, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động của thôn, xóm, giúp xã trong công tác hòa giải, giải quyết những vụ mâu thuẫn lớn nhỏ. “Mình chỉ làm với ý thức và trách nhiệm của người đảng viên thôi”!, ông nói.
Hà Minh