Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phát triển cường thịnh vào năm 2045

Chiều 6-3, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045”. 

 

Tham dự có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp…

Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phát triển cường thịnh vào năm 2045 ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc “Đối thoại 2045”.  Ảnh: TTXVN
Tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đội ngũ doanh nhân, trí thức có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Muốn dân giàu, nước mạnh, chúng ta phải chú trọng phát triển quốc kế dân sinh. Muốn vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải có những doanh nghiệp (DN) lớn mạnh, những thương hiệu có sức cạnh tranh tầm khu vực và toàn cầu, đặc biệt phải có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong gần 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài. Ngoài ra, chúng ta phải biết thu hút, đón nhận và phát huy những nguồn lực quốc tế từ hội nhập toàn cầu hóa, từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp đến nguồn lực về công nghệ, về tri thức, về đổi mới sáng tạo.
Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phát triển cường thịnh vào năm 2045 ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội, các tri thức, 
chuyên gia tại cuộc “Đối thoại 2045”. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành công trên các lĩnh vực, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang đối mặt với không ít thách thức trên chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển cường thịnh vào năm 2045.
“Chính phủ mong mỏi tất cả người dân, từ cán bộ đảng viên đến người dân, DN, đến những trí thức đều thấm nhuần tinh thần câu nói “mỗi người tin ở sức mạnh của dân tộc, tin ở sức chịu đựng của mình, kiên quyết vượt mọi khó khăn thì tương lai mới vẻ vang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Đó cũng là lý do Chính phủ khởi xướng và sẽ tổ chức định kỳ chương trình “Đối thoại 2045” nhằm góp phần vun đắp niềm tin, sự chung sức, đồng lòng thông qua đối thoại, lắng nghe để cùng nhau hành động, cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045 như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Xây dựng tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam”

Trong khuôn khổ buổi đối thoại, đã có gần 30 ý kiến của các DN, chuyên gia kinh tế hoạt động trên nhiều lĩnh vực được gửi đến Thủ tướng và các cơ quan chức năng liên quan. Ngoài dẫn chứng cụ thể về các nút thắt cản trở DN sản xuất, kinh doanh, các ý kiến tập trung đóng góp giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Các DN cho rằng, Chính phủ cần phải phát huy vai trò bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Việc áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN cần phải được thực hiện nhanh, nhất quán và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Cần có chính sách hỗ trợ vốn, giảm thuế, nhất là đối với DN có quy mô vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp… Đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. 

Phát biểu mở màn, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho rằng, Chính phủ cũng như DN cần xây dựng và chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam”. Ông Huệ dẫn chứng, dự án sản xuất ô tô VinFast có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Từ ngành công nghiệp dẫn đầu này sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế. Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình. Chung quan điểm, bà Thái Hương, Chủ tịch Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH, cho rằng, chỉ có khát vọng vươn lên thì doanh nhân mới đủ sức, đủ niềm tin để tạo dựng DN vươn tầm ra thế giới. Chính phủ cần tập trung hỗ trợ phát triển những DN đầu đàn đủ sức dẫn dắt chuỗi cung ứng trong nước hình thành và phát triển. Về phía DN cũng chủ động đầu tư xây dựng phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm Việt trên trường quốc tế. 

“Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng DN, là “bà đỡ”, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, phát biểu. 

Cho rằng giai đoạn 2021-2030 là giai đoạn cực kỳ quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam trở thành nước phát triển, ông Đỗ Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, mong muốn Nhà nước cần xem phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo cơ sở hình thành nền sản xuất bền vững. Đặc biệt, tạo ra các nguyên liệu gốc, giúp Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế gia công.

Phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường

Đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với khát khao và niềm tin của cả dân tộc, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh. Với những đề xuất, kiến nghị của DN, chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai thành các giải pháp để giải quyết các vấn đề: Con người và công nghệ, trong đó chuyển đổi số mạnh mẽ cấp quốc gia; hoàn thiện và minh bạch thể chế làm “bà đỡ” cho sự phát triển, trao cơ hội phát triển cho mọi thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng; phát triển kết nối hạ tầng và tháo gỡ nút thắt đất đai cho DN và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò của việc bảo vệ môi trường sống và bảo tồn văn hóa, giá trị tinh  thần của dân tộc. 

Đối với DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành công của DN hiện nay không chỉ là đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích cổ đông mà phải sáng tạo và mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. DN phát triển bền vững là nền tảng quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia.
__________
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải: Công nghiệp hóa nông nghiệp
 
Dư địa ngành nông nghiệp trong nước còn rất lớn. Vấn đề quan trọng cần phải cơ giới hóa, công nghiệp ngành nông nghiệp hướng đến ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động nuôi trồng. Mặt khác, đầu tư nuôi trồng nông nghiệp quy mô lớn để gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo nền tảng để đẩy mạnh phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm, qua đó góp phần tăng giá trị nông sản nước ta. 

Bà Nguyễn Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Vietjet: Xây dựng trung tâm logistics thế giới

Để phát triển kinh tế mạnh cần xây dựng những doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia mạnh. Ở góc độ ngành hàng không, để tạo động lực phát triển cho DN, cần thiết đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp đa dạng dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khỏe. Kế đến là đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ… hướng đến tăng năng suất lao động nguồn nhân lực. Chính phủ cũng cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, hướng đến xây dựng trung tâm hàng không thế giới, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách. 

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong: Có cơ chế thử nghiệm chính sách

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất mạnh khiến cho hệ thống luật pháp của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam không thể theo kịp. Điều này đã tạo ra những rào cản nhất định cho việc phát triển các mô hình kinh tế mới, các công nghệ, kỹ thuật mới và mô hình kinh doanh hiện thời. Do đó, cần thiết có cơ chế thử nghiệm chính sách (Sandbox) để áp dụng trong phạm vi nhỏ, không gian vừa phải, có thời hạn để rút kinh nghiệm và có trải nghiệm thực tế. Vấn đề này cần có văn bản pháp quy để đưa cơ chế thử nghiệm chính sách thực hiện càng nhanh càng tốt.

Tin cùng chuyên mục