Hiện trạng bùng nổ các kênh truyền hình

Bài 1: “Dội bom” bằng quảng cáo!
Hiện trạng bùng nổ các kênh truyền hình

Bài 1: “Dội bom” bằng quảng cáo!

Quảng cáo trên truyền hình dù đã được chấn chỉnh, tình trạng vi phạm có giảm bớt. Tuy nhiên, mật độ quảng cáo và nội dung quảng cáo trên truyền hình hiện nay vẫn là những vấn đề khiến người xem bức xúc, khó chịu.

  • Lách luật và quá đà

Thời gian qua, Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT) xử phạt quảng cáo trên truyền hình khá nhiều. Đáng quan tâm nhất là vấn đề nội dung quảng cáo.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản, Thanh tra Bộ TT-TT, cho biết: “Thời gian qua nhiều quảng cáo làm cho người xem hiểu không đúng về sản phẩm và dịch vụ đó, như: Phòng khám Trung Quốc chữa được bá bệnh, vòng titan chữa bệnh, rõ ràng là lừa đảo; các quảng cáo về thực phẩm chức năng cũng rất nguy hiểm vì sự nhập nhằng khiến người xem lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh.

Do quy định cũ không chặt, nên nhiều đơn vị lách luật. đơn cử, quy định cũ cho phép trong chương trình chiếu phim được phép cắt 2 lần để quảng cáo, nhưng trên thực tế các đài thường cắt làm 4 lần, gồm: mở đầu, kết thúc và 2 lần ở giữa chương trình. Tương tự, với các chương trình vui chơi giải trí, quy định cho cắt 3 lần, nhưng thực tế vượt lên thành 5 lần”.

Quảng cáo dày đặc vào “giờ vàng” gây khó chịu, bức xúc đối với khán giả truyền hình. Ảnh: AN DUNG (chụp qua truyền hình)

Quảng cáo dày đặc vào “giờ vàng” gây khó chịu, bức xúc đối với khán giả truyền hình. Ảnh: AN DUNG (chụp qua truyền hình)

Thiết nghĩ, Luật Quảng cáo hoặc văn bản hướng dẫn dưới luật phải quy định thật rõ ràng, cụ thể về nội dung quảng cáo cho nhóm loại hoặc từng loại sản phẩm, dịch vụ khi đưa quảng cáo đó lên truyền hình. Có như thế mới có thể hạn chế bớt những nhập nhằng, gây hiểu nhầm dẫn đến những hậu quả không tốt cho khán giả và người sử dụng.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT-DL) đã soạn dự thảo Luật Quảng cáo gồm 5 chương, 42 điều quy định rõ về nội dung, hình thức và các phương tiện quảng cáo; những hàng hóa dịch vụ cấm quảng cáo và việc xử lý vi phạm trong quảng cáo…

Nhưng những vấn đề liên quan đến quảng cáo trên truyền hình dường như vẫn chưa được thể hiện một cách đầy đủ, phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực này; chưa nói đến việc một số quy định trong dự thảo chưa được cụ thể nên sẽ khó loại bỏ, điều chỉnh hết các chiêu thức, cùng những cách lách luật của cả người làm quảng cáo đến các đài truyền hình.

  • Tra tấn người xem

Trong dự thảo Luật Quảng cáo, phần dành cho quảng cáo trên báo nói, báo hình có quy định: “Được quảng cáo không quá 7% tổng thời lượng chương trình của một ngày phát sóng”. Nếu căn cứ vào quy định này, tất cả các đài truyền hình có vẻ như chưa bao giờ dùng hết thời lượng phát quảng cáo, vì thời lượng phát sóng hiện nay của một số đài truyền hình thường là 24/24 giờ, nhiều đài còn phát nhiều kênh nên thời lượng phát sóng một ngày rất lớn (tính ra có đài có tới cả trăm giờ phát sóng/ngày). Nhưng suốt một thời gian dài vừa qua, khán giả truyền hình kêu ca rất nhiều về việc bị “tra tấn” bởi mật độ quảng cáo quá dày!

Vấn đề ở đây chính là sự phân bố quảng cáo trên truyền hình, chỉ tập trung vào một số giờ nhất định, mà chủ yếu là vào khung giờ cao điểm từ 18 đến 21 giờ (vẫn được gọi là “giờ vàng”). Dù thời lượng quảng cáo dày đặc trong một số chương trình (cụ thể là chương trình phim truyện và các chương trình vui chơi giải trí) khiến khán giả bất bình, nhưng nếu căn cứ theo Luật Quảng cáo trước đây (5% trên tổng thời lượng phát sóng) và dự thảo Luật Quảng cáo hiện nay (7% trên tổng thời lượng phát sóng) thì các đài truyền hình không vi phạm quy định về quảng cáo!

Vấn đề mấu chốt chính là luật cần quy định thời lượng quảng cáo trong từng chương trình cụ thể. Có như thế mới quản lý, khống chế và xử lý tốt nhất những sai phạm. Cũng trong dự thảo Luật Quảng cáo cho phép: “Chương trình có thời lượng phát sóng từ 15 - 30 phút được ngắt để quảng cáo một lần, từ phút 31 trở lên cứ 30 phút được tăng thêm một lần ngắt để quảng cáo, mỗi lần không quá 5 phút” – với quy định này, các đài vẫn rất dễ “lách” để tái diễn tình trạng quảng cáo quá mức trong một chương trình giải trí, như vẫn từng xảy ra trước đây và cả hiện nay.

Ngoài việc quảng cáo dày đặc trong “giờ vàng”, trong các chương trình chiếu phim, vui chơi giải trí; một vấn đề khác vẫn rất đáng được cơ quan chức năng, cơ quan soạn thảo luật lưu ý, quan tâm, đó là việc quảng cáo không đúng sự thật.

Trong dự thảo luật có nêu rõ những hành vi cấm quảng cáo, trong đó có việc cấm sử dụng thuật ngữ ở mức so sánh cao như: “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”… nhưng không ít các sản phẩm quảng cáo dù không dùng đến thuật ngữ cụ thể này vẫn gây ngộ nhận cho người xem.

Khán giả bức xúc khi có quá nhiều đoạn quảng cáo xen lẫn các tiết mục truyền hình. Ảnh: A.DUNG (chụp qua truyền hình)

Khán giả bức xúc khi có quá nhiều đoạn quảng cáo xen lẫn các tiết mục truyền hình. Ảnh: A.DUNG (chụp qua truyền hình)

  • Trách nhiệm nhà đài

Trong dự thảo Luật Quảng cáo có quy định: “Không được xen quảng cáo trong chương trình có thời lượng phát sóng dưới 15 phút”, nhưng hiện nay một số đài truyền hình có các chương trình thời lượng từ 5 - 10 phút, không hiếm.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV): “Quy định này không phù hợp với xu thế truyền hình hiện đại. Các chương trình truyền hình được chia nhỏ để tạo sự phong phú và giúp các đối tượng khán giả dễ theo dõi, chọn lựa. Bản chất của quảng cáo là để bán hàng, chúng tôi chú trọng đến việc làm sao nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính văn hóa và sự thật. VTV đang làm văn bản kiến nghị gửi lên Bộ VH-TT-DL đề nghị bỏ quy định này”.

Việc trả chi phí làm chương trình bằng quảng cáo cho các đơn vị liên kết, đôi khi trở thành áp lực với cả đơn vị liên kết lẫn đài truyền hình, nhất là với mạng truyền hình trả tiền. Trước mong muốn có đủ chương trình phát sóng và đảm bảo nguồn thu, đã dẫn đến việc một số đài truyền hình xem nhẹ nội dung quảng cáo.

Luật Quảng cáo ra đời chính là để tăng cường công tác quản lý, thúc đẩy ngành quảng cáo phát triển lành mạnh, đúng định hướng, góp phần phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, ý thức trách nhiệm từ những đơn vị thực hiện quảng cáo và từ chính các đài truyền hình là không nhỏ.

NHƯ HOA


Bài 2: Xã hội hóa truyền hình - Được và mất

Truyền hình đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng bộc lộ những điểm yếu của mình. Nhờ chính sách xã hội hóa, truyền hình như được tiếp thêm sức mạnh trong từng chương trình. Tuy nhiên cái được – mất từ xã hội hóa truyền hình cũng nên xem xét một cách nghiêm túc.

“Phía cuối cầu vồng” - một trong những phim đạt chất lượng, được khán giả yêu thích.

“Phía cuối cầu vồng” - một trong những phim đạt chất lượng, được khán giả yêu thích.

Mảng kinh doanh hấp dẫn

Hấp lực kinh doanh qua truyền hình hiện nay rất lớn, thế nên các đơn vị tư nhân đang đổ xô vào làm truyền hình. Nơi thì kinh doanh hẳn một kênh truyền hình, chỗ thì chỉ kinh doanh giờ phát sóng. Cũng nhờ xã hội hóa, tư nhân mới có thể hợp tác đầu tư vào truyền hình – lĩnh vực vốn trước đây được xem là không thể. Cần thừa nhận cái được từ xã hội hóa truyền hình: thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong xã hội; các chương trình trên truyền hình nhiều hơn, phong phú hơn; thời lượng dành cho phim Việt cũng từ đó tăng lên đáng kể, tạo thành một trào lưu phim Việt trên tất cả các mạng truyền hình – kể cả truyền hình quảng bá lẫn trả tiền, mà trước kia hầu hết là dành cho các bộ phim nước ngoài…

Xã hội hóa đã tạo cho các hoạt động truyền hình sôi động hơn, có tính cạnh tranh hơn buộc các nhà đài phải tìm cách lôi kéo khán giả cho mình bằng những chương trình hấp dẫn, những bộ phim hay. Hiện nay, các giờ phim Việt trên các đài truyền hình đều có tỷ suất xem đài rất cao. Đây cũng là chương trình thu hút nhiều quảng cáo và mang lại nguồn thu chủ yếu cho các nhà đài.

Năm 2010, HTV cho biết, 70% nguồn thu là từ chương trình phim Việt. Nắm bắt được nhu cầu này, các đơn vị liên kết, liên doanh với các đài truyền hình bây giờ cũng chú trọng đầu tư vào sản xuất phim Việt. Sản xuất phim Việt giờ đây đang là “cuộc đua” của tất cả các nhà sản xuất, vừa dễ được phát sóng, vừa dễ lấy được vốn và có lời. Mỗi năm, số lượng các đơn vị liên kết liên doanh với truyền hình lại tăng lên. Hiện nay, đài truyền hình TPHCM (HTV) có 29 đối tác, đài truyền hình VN (VTV) có khoảng 20 đối tác chuyên sản xuất phim. Nhiều đối tác, nhiều phim Việt Nam được phát sóng, nhưng cũng từ đây bộc lộ mặt trái của xã hội hóa truyền hình.

Dễ dãi, thiếu trách nhiệm

Chưa kịp mừng vì phim Việt Nam chiếm lĩnh sóng trên hầu hết các đài truyền hình, khán giả đã phải khó chịu vì ngày càng có nhiều phim kém chất lượng. Thời lượng dành cho phim Việt tăng, nhưng đội ngũ làm phim (gồm những thành phần chính như: biên kịch, đạo diễn, diễn viên…) chưa kịp tăng theo. Sóng đã được quy hoạch, phân bổ cho các đơn vị đối tác, nên giá nào cũng phải có phim. Thế nên, kịch bản non tay, đạo diễn không có thời gian “gia cố, nghiên cứu, chăm chút”, diễn viên bận chạy một lúc 4 - 5 phim nên không có thời gian đọc, hiểu về nhân vật của mình, thời gian quay ngày càng được rút ngắn – trước 3 ngày/tập, giờ chỉ còn 1 ngày/tập… Tất cả những điều ấy cộng lại, làm sao có được phim hay? Chưa nói đến việc, để câu khách, dễ lấy được quảng cáo, nhiều nhà sản xuất lấy ca sĩ, người mẫu đóng phim (thời nay, nhà sản xuất quyết định chọn diễn viên chứ không phải đạo diễn), càng khiến cho việc làm phim, đóng phim bây giờ trở nên quá dễ dãi.

Ở đây, trách nhiệm của nhà đài là rất lớn, mà cụ thể là hội đồng duyệt phim. Lẽ ra, nếu thấy chất lượng phim không đảm bảo, đài có thể ngừng (ngay từ khâu duyệt phim, chứ không phải đợi phim đã phát rồi), buộc nhà sản xuất phải chỉnh sửa đến khi đạt yêu cầu mới đưa lên sóng. Thời gian qua, một số bộ phim làm cẩu thả, dễ dãi vẫn được phát sóng, mà đỉnh điểm là bộ phim Anh chàng vượt thời gian, tạo thành “làn sóng” dư luận phản ứng dữ dội. Đã đến lúc phải đặt lại vai trò, trách nhiệm của nhà đài lên hàng đầu.

Chúng ta đã từng có nhiều bộ phim hay được làm từ xã hội hóa, tạo được rất nhiều cảm tình của khán giả (đạt tỷ suất cao và thu hút nhiều quảng cáo) như: Gọi giấc mơ về, Cổng mặt trời (Lasta sản xuất), Hoa xương rồng, Vật chứng mong manh (Hành tinh xanh), Chuyện tình mùa thu (Sóng vàng), Phía cuối cầu vồng (Trần gia), Cuộc gọi lúc không giờ (Khang Việt)… Không phải chúng ta không làm được phim hay, phim tốt, vấn đề cuối cùng vẫn thuộc về nhà đài!

Ông Lưu Vũ Hải – Cục Trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin  - Truyền thông (cơ quan quản lý nhà nước của các đài truyền hình), đánh giá: Truyền hình với chính sách xã hội hóa đã đạt được nhiều thành công trong việc tạo ra những nguồn lực cả về con người lẫn kinh phí. Nhờ có xã hội hóa mà số lượng phim Việt Nam tăng nhanh chóng, nhiều phim có chất lượng, được xã hội ghi nhận. Phim Việt không còn đi vào lối mòn mà đã tiếp cận những tư duy, ý tưởng và phong cách làm phim mới.

Tuy nhiên, vì người làm phim còn mang nặng tính thương mại nên không tránh khỏi có nhiều phim không đạt chất lượng, vẫn được phát sóng, như dư luận phản ánh trong thời gian qua. Để xảy ra hiện tượng này có trách nhiệm thuộc về người duyệt sản phẩm, đã dễ dãi cho ra hàng kém chất lượng. Cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn làm sao huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào truyền hình và hạn chế tối đa những tiêu cực. Tôi nghĩ, thời gian đầu còn nhiều thiếu sót, có cả tiêu cực và trên thực tế, xã hội hóa truyền hình còn bộc lộ nhiều bất cập, nhưng sẽ được cơ quan quản lý điều chỉnh dần để có cách quản lý phù hợp.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục