Hiệp hội Mía đường kêu cứu vì tồn đọng, ế ẩm

Giá bán đang dưới giá thành, trong khi hàng làm ra tồn quá nhiều, chiều 3-4, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT để đề xuất các giải pháp giải cứu, tháo gỡ.

Trước tình hình mía đường làm ra dư thừa quá nhiều, diện tích quá lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ, chiều nay 3-4 tại trụ sở Bộ NN-PTNT ở Hà Nội, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường để báo cáo và cùng tìm hướng xử lý.

Buổi làm việc giữa Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Bộ NN-PTNT chiều 3-4

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay cả nước đã có tới 36 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995. Diện tích mía của cả nước cũng tăng lên khoảng 10 lần so với năm 1995, với tổng diện tích hiện có khoảng 300.000ha. Hàng năm, ngành mía đường sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường (với giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng). 

Mặc dù mía đường đang là sản phẩm tham gia bình ổn giá cả nhưng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2018-2019 là năm thứ ba liên tiếp phải hứng chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố bất lợi như khí hậu thời tiết không tốt, giá cả và thị trường trong nước và quốc tế ở mức thấp, nhất là kết quả kinh doanh giảm sút, thua lỗ của nhiều nhà máy, công ty mía đường. 

Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết mía đường làm ra đang bị tồn đọng, ế ẩm nên đề nghị có giải pháp tháo gỡ

Thống kê tính đến ngày 15-3, có 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất 2018-2019, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại. 

Ước cả niên vụ 2018-2019 sẽ có khoảng 14 triệu tấn mía, với 1,3 triệu tấn đường, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015-2016 và 2016-2017. 

Cứ với đà này, dự kiến tình hình niên vụ 2019-2020 cũng sẽ tiếp tục giảm so với hiện nay. Theo đó, diện tích sẽ giảm chỉ còn khoảng 220.000ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường còn khoảng 1,25 triệu tấn.

Lý giải về tình hình tiêu thụ đường rất chậm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, do tồn kho từ vụ trước còn nhiều. Trong khi đường lỏng tiếp tục nhập khẩu gia tăng (năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần). Vì thế, giá đường hiện nay đang ở mức thấp, giá bán phổ biến đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. 

Tin cùng chuyên mục