Hiệp ước Lisbon - 1 năm đã “già”

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-12 đã kết thúc tại Brussels (Bỉ) sau 2 ngày làm việc. Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thảo luận về báo cáo của Ủy ban châu Âu về “chiến lược năm 2020” của EU, đưa lục địa này trở lại con đường tăng trưởng kinh tế; trao cho Montenegro quy chế nước ứng cử viên gia nhập EU.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 17-12 đã kết thúc tại Brussels (Bỉ) sau 2 ngày làm việc. Lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thảo luận về báo cáo của Ủy ban châu Âu về “chiến lược năm 2020” của EU, đưa lục địa này trở lại con đường tăng trưởng kinh tế; trao cho Montenegro quy chế nước ứng cử viên gia nhập EU.

Một trong những điểm quan trọng nhất đạt được từ hội nghị là việc các thành viên nhất trí sửa đổi một cách hạn chế Hiệp ước Lisbon, theo đó cho phép thành lập một quỹ cứu trợ thường trực đối với các quốc gia thuộc khu vực đồng euro (eurozone).

Quỹ cứu trợ thường trực, dự kiến được thành lập năm 2013, sau khi quỹ chống khủng hoảng chung hiện nay (trị giá 750 tỷ EUR) của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hết hiệu lực, sẽ được sử dụng trong trường hợp một trong các nền kinh tế thành viên eurozone rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Theo văn bản sửa đổi, Điều 136 của Hiệp ước Lisbon được bổ sung: “Các quốc gia thành viên thuộc eurozone có thể xây dựng một cơ chế ổn định, cơ chế này có thể được kích hoạt trong trường hợp cần thiết để bảo đảm sự ổn định của đồng euro. Việc tiến hành trợ giúp tài chính cần thiết thông qua cơ chế này sẽ phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ”.

Ngược lại, những nước khó khăn sẽ chỉ nhận được sự trợ giúp nếu chấp nhận áp dụng các biện pháp điều chỉnh nhằm giảm mức thâm hụt cũng như nợ công.

Đề xuất về việc thay đổi hạn chế Hiệp ước Lisbon do Đức khởi xướng, nhằm đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý vì Hiệp ước Lisbon hiện hành không cho phép một quốc gia gặp khó khăn thuộc khu vực đồng euro được các nước thuộc khu vực này trợ giúp.

Cách đây đúng 1 năm, ngày 1-12, Hiệp ước Lisbon ra đời. Một trong những mục tiêu chính của Hiệp ước là trang bị cho EU tiếng nói duy nhất đại diện cho tổ chức khi ra bên ngoài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Hiệp ước Lisbon vẫn chưa nâng cao hình ảnh của châu Âu như mong đợi.

Các nhà soạn thảo Hiến pháp châu Âu thừa nhận: “Chúng ta chưa đạt được một trong những mục tiêu chính của Hiệp ước là EU chỉ có một tiếng nói thống nhất duy nhất trong quan hệ với phần còn lại của thế giới”.

Rất dễ khẳng định rằng, những sự kiện kinh tế trong suốt 12 tháng qua càng khiến người ta nhận thấy hiệp ước đã lỗi thời. Các nhà phân tích cho rằng, không thể để tình trạng hiện nay kéo dài vì EU đang thiếu các công cụ để giải quyết các vấn đề tồn đọng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.

Sau nhiều năm thành công và 1 năm tuân theo Hiệp ước Lisbon, châu Âu chợt phát hiện ra mình không có vũ khí để bảo vệ chính đồng tiền của mình. May mắn thay, cũng từ một năm nay, khi buộc phải cùng nhau đương đầu với sóng gió, Liên minh châu Âu đã biết lắng nghe ý kiến của nhau để đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên. Việc đạt được thỏa thuận sửa đổi hiệp ước là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong nếp nghĩ.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá kết quả đạt được, nhưng dù sao, thay đổi tích cực luôn là điều cần thiết trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục