Hiệp ước tài chính mới của EU - Vẫn khó khả thi

Chiến thắng của Đức
Hiệp ước tài chính mới của EU - Vẫn khó khả thi

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) họp lần đầu tiên trong năm 2012 tại Brussels (Bỉ) đã bế mạc ngày 30-1 với việc thông qua một loạt quyết định quan trọng, trong đó có “Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tài chính - tiền tệ”.

Phát chẩn thức ăn tại Hy Lạp.

Phát chẩn thức ăn tại Hy Lạp.

Chiến thắng của Đức

Hiệp ước nói trên xuất phát từ ý tưởng của Thủ tướng Đức Angela Merkel và giờ đây đó là thắng lợi của bà khi 25/27 nước đồng ý gia nhập hiệp ước, trừ Anh và Cộng hòa Czech. Nội dung chính của hiệp ước không gì khác hơn là siết chặt kỷ luật tài chính trong chi tiêu của các nước thành viên, tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ công tương tự trong tương lai. Những nước nào vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Tại một buổi họp báo sau cuộc họp, theo Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hiệp ước mới về tài chính cùng với quỹ giải cứu Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ EUR là “bước tiến nhỏ trên con đường phục hồi lòng tin” của các nhà đầu tư với EU. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ca ngợi hiệp ước là bước tiến tới liên minh tài chính.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy ca ngợi hiệp ước mới là một thắng lợi vì chỉ có 17 nước khu vực đồng tiền chung euro nhưng có đến 25 nước ký kết hiệp ước. Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso bày tỏ hy vọng những quy định nghiêm khắc mới về tài chính sẽ thuyết phục các nhà đầu tư lấy lại niềm tin đối với đồng euro.

Còn lắm gian nan

Hiệp ước mới về tài chính của EU còn chờ 25 nước thông qua vào tháng 3 và sẽ có hiệu lực sau khi 12 nước thông qua. Nhiều nước trong số này có thể sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý trước khi thông qua hiệp ước. Nhiều công dân tại các nước thành viên EU cho biết họ không muốn mất chủ quyền trong các quyết định về chi tiêu và thuế. Phát biểu trên tờ USA Today, ông Mats Persson, Giám đốc Ban cố vấn châu Âu mở rộng nói: “Có rất ít sự đồng tình trong các cử tri khi mà họ phải hy sinh quyền chi tiêu và đánh thuế cho những người ngồi ở Berlin, Brussels hay Frankfurt”. Một cuộc thăm dò dư luận trên tờ Sunday Business Post ở Ireland cho kết quả 72% người Ireland muốn tổ chức trưng cầu dân ý về hiệp ước tài chính mới của EU.

Theo nhật báo The Wall Street Journal, hiệp ước mới về tài chính của EU quy định tòa án Công lý EU (EJC) áp đặt các biện pháp trừng phạt với các thành viên vi phạm các quy định tài chính trong bản hiệp ước này. Cụ thể, các nước tham gia hiệp ước phải cắt giảm nợ xuống ở mức 60% GDP. Thế nhưng, một khi các nước thành viên không thể thực hiện điều này, EU vẫn tiếp tục áp dụng chính sách buộc các nước này điều chỉnh chính sách như những gì đang áp dụng hiện nay, nghĩa là phải đưa ra các nước thành viên EU biểu quyết, sau đó mới đến ECJ. Sở dĩ có vấn đề này là do một số thành viên EU phản đối sự can thiệp quá sâu của ECJ vào vấn đề kinh tế. Điều này có nghĩa vai trò của EJC vẫn còn mập mờ, nhất là với các quyết định liên quan đến công nợ.

Trong bối cảnh một hiệp ước mới về tài chính của EU vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, EU phải đối phó với các vấn đề nóng bỏng trước mắt. Chính phủ Hy Lạp đang chạy đua với thời gian để đạt thỏa thuận với các chủ sở hữu trái phiếu tư nhân, nếu không dàn xếp được để giảm bớt 100 tỷ EUR trong tổng số khoản nợ 200 tỷ EUR này cũng như không có đủ các điều kiện cần thiết để nhận đợt cứu trợ thứ hai 130 tỷ EUR từ IMF và EU, nước này sẽ vỡ nợ vào tháng 3 tới.  Bồ Đào Nha cũng đang khẩn cấp yêu cầu vay cứu trợ đợt hai. Các nước Tây Ban Nha và Italia vốn đang có các chỉ số kinh tế ảm đạm có thể sẽ phải nối gót Hy Lạp trong việc kêu gọi EU giúp giải quyết nợ công.

Khánh Minh tổng hợp

Tin cùng chuyên mục