Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục – đào tạo

Hiểu đúng để làm cho đúng

Hiểu đúng để làm cho đúng

Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương trình Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động của Đảng” (điểm 1, mục XIV). Tư tưởng ấy rất giản dị mà sâu sắc, phù hợp với lịch sử và thực tiễn Việt Nam, không chỉ trước đây mà cả hiện nay và về sau. Tôi chỉ xin nêu mấy nhận thức, đồng thời cũng là mấy kiến nghị, chủ yếu trên lĩnh vực thuộc ý thức xã hội và kiến trúc thượng tầng: đó là giáo dục - đào tạo.

Hiểu đúng để làm cho đúng ảnh 1

Sử dụng giáo án điện tử trong công tác giảng dạy tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh. Ảnh: MAI HẢI

Về giáo dục và đào tạo, Dự thảo nhận xét: “Giáo dục tiếp tục phát triển, được đầu tư nhiều hơn. Cơ sở vật chất được tăng cường. Quy mô đào tạo tăng nhanh và tương đối đều, nhất là ở bậc trung học chuyên nghiệp và dạy nghề…”. Đó là ưu điểm, song sau đó lại nhận định: “chất lượng thấp, cơ cấu không hợp lý” như vậy là có phần mâu thuẫn, nhất là chưa đầy đủ, xác đáng, để từ đó đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới. Các biện pháp trong phần sau (mục VII, điểm 1) chưa làm rõ được GD-ĐT cần sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm như thế nào, trên các lĩnh vực then chốt nào để làm cho sự nghiệp GD-ĐT tiến lên, tiến thêm.

Dự thảo nêu lên thành phương hướng số 1 là: “Đổi mới toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực cao”. Theo tôi phương hướng đó còn mơ hồ và phiến diện. Thế nào là đổi mới toàn diện GD-ĐT? Phải chăng là xóa bỏ cơ cấu, cơ chế hiện nay, nhân danh “xã hội hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa”… để “tự do hóa” giáo dục đi đôi với “tư nhân hóa” kinh tế? Tôi nghĩ cần phải xem xét thêm, tránh những công thức lý luận mơ hồ, có thể hiểu theo hai cách.

Công thức lý luận: “Đào tạo nguồn nhân lực cấp cao” cũng chưa thật chính xác. Bởi giáo dục không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, kể cả nhân lực cấp cao. Điều đó không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng “giáo dục Việt Nam có mục tiêu đào tạo những công dân tốt, lao động tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt”, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau “vừa hồng vừa chuyên” (tức là đức tài song toàn); “muốn có chủ nghĩa xã hội, trước tiên phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Tóm lại, sứ mệnh của giáo dục là đào tạo con người, con người Việt Nam làm chủ đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính từ các thế hệ con người đó mà xuất hiện nguồn nhân lực cả cấp cao, cấp vừa và cấp thấp, dù ở cấp nào cũng phải là người lao động xây dựng đất nước, người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc. Gán ghép khái niệm “nguồn nhân lực” cho giáo dục Việt Nam là không chính xác.

Đại hội X của Đảng ta cần nêu cao đường lối GD-ĐT con người Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, làm chủ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hữu nghị, hợp tác với bạn bè bốn phương; học tập, tôn trọng bản sắc của các dân tộc khác, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của dân tộc mình. Dù ra đời làm bất cứ ngành nghề gì, ở bất cứ cương vị công tác nào, đạt bất cứ thành tích và trình độ nào thì trong nhà trường, con người Việt Nam cũng được giáo dục theo một mô hình nhân cách con người Việt Nam tiên tiến.

Như vậy, đó là nền tảng văn hóa chung, giáo dục chung, mặt bằng chung, mẫu số chung để phát huy mọi năng khiếu, tài trí riêng của mỗi người, gồm cả các bậc hiền tài, nhân tài, thiên tài… là nguyên khí quốc gia, tinh hoa dân tộc, vinh dự đất nước… Đặt mục tiêu cho giáo dục chỉ là đào tạo nguồn nhân lực bậc cao thì không tránh khỏi phát triển giáo dục một cách thiên lệch, phiến diện, hẹp hòi, thậm chí sai lầm, một quan điểm giáo dục xa lạ mang màu sắc của chủ nghĩa thực dụng.

Hiện nay lại có lưu hành cái lý thuyết và lý tưởng “người công dân toàn cầu, siêu quốc gia”. Tôi nghĩ, giáo dục VN không nên đào tạo “nguồn nhân lực cấp cao” theo triết lý giáo dục đó. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam vẫn là nền tảng, là linh hồn của giáo dục Việt Nam ở mọi ngành học, cấp học, mọi loại hình nhà trường dù phong phú, đa dạng đến đâu, đã đạt “đẳng cấp quốc tế” đến mức nào. Sự đổi mới toàn diện GD-ĐT không thể làm mất đi bản chất truyền thống của giáo dục và văn hóa Việt Nam theo xu hướng “toàn cầu hóa” phi dân tộc, thậm chí phản dân tộc.

Đổi mới toàn diện GD-ĐT cần bao hàm nội dung bảo tồn và bảo vệ bản chất và truyền thống yêu nước và cách mạng, những nhân tố xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của nền giáo dục VN được khai sáng và phát triển 60 năm nay, từ Cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến cứu nước và 30 năm hậu chiến và đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần ngăn ngừa chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa hư vô, tức là các dạng của chủ nghĩa cơ hội, xâm nhập vào tư tưởng lý luận của văn hóa nghệ thuật và GD-ĐT. 

GS TRẦN THANH ĐẠM

Tin cùng chuyên mục