Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) là xã có nhiều sông, rạch nên đất đai bị nhiễm phèn nặng, nông dân muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng rất khó khăn. Sau nhiều năm gắn bó với cây mía, cây thơm, cây tràm… không hiệu quả, nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây riềng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn (còn gọi là Ba Lạc, ngụ tại ấp 2) là người tiên phong trồng cây riềng ở xã Bình Lợi hơn chục năm nay. Với diện tích đất vườn hơn 2,2ha, trước đây ông chỉ chuyên trồng mai vàng bán cho các nhà vườn làm nguyên liệu trồng mai ghép. Thấy cây mai vàng “lên ngôi”, nhiều người dân trong xã cũng đổ xô trồng mai làm cho giá mai xuống thấp, nên ông chuyển sang trồng nghệ lấy củ bán. Thế nhưng, cây nghệ cũng “chung số phận” như cây mai bởi không có nơi tiêu thụ. Tình cờ, trong lúc trồng nghệ ông phát hiện trong đám củ nghệ giống có lẫn một số củ lạ nẩy mầm xanh tốt, ông đem đi hỏi mới biết đó là củ riềng. Nghe nói củ riềng có thể chế biến gia vị và làm gia vị thức ăn nên ông lựa những củ riềng để lại nhân giống được 400 bụi rồi đào lỗ trồng thử. Sau hơn 1 năm trồng, cây riềng cao lớn, ông thu hoạch được hơn 1,5 tấn củ, bán với giá 4.000 đồng/kg, thu được 6 triệu đồng, tương đương giá 1ha mía lúc đó.
Thấy có hiệu quả, ông Ba Lạc sang xã Lương Hòa (Bến Lức, Long An) thuê 6ha đất trồng cây riềng. Ông cho biết, củ riềng ngoài việc sử dụng để nấu ăn trong gia đình, thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp cũng cần số lượng lớn riềng để chế biến, xuất khẩu gia vị, nên rất dễ bán. Trung bình 1ha riềng mỗi năm cho khoảng 40 tấn củ, có thương lái đến tận nơi mua với giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Với 6ha riềng, mỗi năm ông thu vô khoảng 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí, ông còn lãi trên 900 triệu đồng. Riêng năm 2016 vừa qua, giá củ riềng lên đến 22.000 đồng/kg, ông thu nhập hơn gấp đôi so với nhiều năm trước. Chưa kể, mỗi năm ông còn bán 4 tấn củ giống, thu vô hơn 600 triệu đồng.
Nhờ trồng riềng có hiệu quả, ông Ba Lạc đã có của dư của để, vừa xây căn nhà mới khang trang nằm bên bờ kênh Xáng Lớn và mua sắm mọi tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Cũng như gia đình ông Ba Lạc, nhiều hộ nông dân ở xã Bình Lợi đã trồng cây riềng với tổng diện tích hơn 53ha, cũng đã thoát cảnh nghèo và làm giàu như ông Ba Lạc.
Việc chuyển đổi từ trồng các loại cây truyền thống sang trồng riềng đã nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tại xã Bình Lợi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hướng đi tự phát của người dân. Rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài cho cây riềng, để loại cây trồng này thực sự là một loại cây hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Ông Ba Lạc chia sẻ kinh nghiệm: “Riềng là cây dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Khi cây còn nhỏ nên bón nhiều phân đạm để cây tăng trưởng nhanh, nhưng khi cây lớn nên bón phân lân để cho củ to, đồng thời giảm bớt phân đạm để lá nhỏ, không che gốc cây, mới nhảy cây con được”.