Như nhiều ngôi làng khác ở thôn Leang Dai, huyện Angkor Thom, tỉnh Siem Reap (Campuchia), làng Phlong cũng là nơi tập trung nhiều nông dân nghèo nhất của tỉnh. Trong làng có hơn 2.000 hộ thì đã có hơn 879 thuộc diện nghèo. Chuyện đi lại càng khó khăn hơn khi con đường chính trong làng dẫn ra tỉnh lộ quá nhỏ lại gập ghềnh.
Thế nhưng, sinh hoạt của người dân nơi đây cũng như diện mạo của ngôi làng phần nào đã thay đổi khi dự án làm đường đất dài 800m, rộng 4m này được Chương trình lương thực LHQ (WFP) tài trợ. Dự án tuy nhỏ nhưng cách làm khá mới. Người dân tự đóng góp công lao động, đóng góp đất đắp đường.
Chị Pheng Phan, 36 tuổi, thuộc diện chuẩn nghèo (dưới 0,5ha ruộng), đã đóng góp công lao động trong gần một tháng rưỡi, từ 15-5 đến 28-6-2013 để làm đường. Chị được trả công tổng cộng hơn 400.000 riel (khoảng 100 USD). Số tiền tuy nhỏ, nhưng con đường giúp chị dễ dàng hơn trong việc đưa con đến trường. Trong năm 2013, sau khi giai đoạn 1 vừa kết thúc, WFP và các đối tác đã hoàn thành 19 con đường dạng này ở tỉnh Siem Reap với tổng chiều dài 10km với 1.200 hộ dân tham gia, tập trung vào những ngôi làng nghèo nhất. Hiện WFP đang xúc tiến giai đoạn 2 của dự án.
Bên cạnh dự án làm đường, từ giữa những năm 1990, WFP phối hợp với Bộ Phát triển nông thôn của Campuchia xúc tiến chương trình Lương thực vì tài sản (Food for Asset). Chương trình này trước mắt tập trung cung cấp lương thực cho các hộ nông dân nghèo thời điểm giáp hạt hàng năm. Đổi lại, nông dân tham gia lao động như làm đường, đào kênh, đào ao cá cho cả làng. Về lâu dài, nhờ những công trình này, người nông dân có điều kiện sinh hoạt và làm ăn tốt hơn, giúp giảm nghèo và làm giảm tác hại của thiên tai.
Nếu WFP có chương trình giúp nông dân thông qua ngày công lao động thì tại làng Cheung Tien, huyện Chongkal, tỉnh Oddar Meancheay, Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) tập trung vào chương trình trợ giúp kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Được EU tài trợ, FAO phối hợp cùng các đối tác tập hợp nông dân thành nhiều nhóm nhỏ để huấn luyện họ kỹ thuật canh tác lúa, từ cách bón phân, dùng thuốc trừ sâu cho đúng cách và đúng lúc đến kỹ thuật chăn nuôi gà, trong đó có thiết kế chuồng và lưới rào đúng quy cách, tiêm ngừa.
Kết quả là, sản lượng lúa trước khi có chương trình ở mức 2,5 tấn/ha đã tăng lên 4,6 tấn/ha. Tỷ lệ gà chết giảm xuống còn 5%.
Vấn đề dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, trở thành vấn đề nóng. Đó cũng chính là mối quan tâm của FAO. Tại khu chợ Psar Leu ở Siem Reap, FAO đã tài trợ nhiều hệ thống giết mổ gia cầm sống theo chuẩn an toàn.
Từ khâu nhập nguyên liệu đến khi xuất ra gà thương phẩm. Khu vực bán gia cầm sống được tách riêng biệt với các khu còn lại. Chuồng gà sống không được để gà vào quá nhiều, đặc biệt không đưa gà trở lại vườn. Khu giết mổ nằm riêng với khu bán gà thương phẩm. Người bán thịt gà được trang bị găng tay, khẩu trang, khay kim loại đựng gà. Hệ thống cấp nước sạch và thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh.
Các dự án và chương trình của FAO và WFP tại Campuchia với tổng số tiền 142 triệu USD giai đoạn 2011 - 2016 đến nay đã giải ngân được 57,8 triệu USD. Từng bước với những dự án nhỏ, FAO và WFP tin tưởng có thể giúp nền nông nghiệp và nông thôn nước này chuyển đổi dần từ giai đoạn hồi phục sang phát triển, dần dần tự khẳng định sức mạnh của mình.
THỤY VŨ từ Siem Reap