TPHCM là địa phương có nhu cầu sử dụng rau đa dạng, phong phú, do đó yêu cầu người trồng rau phải luôn chọn lọc, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như những thiết bị cơ giới hóa tiên tiến vào sản xuất, nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất sản phẩm…, góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế.
Xuất phát từ yêu cầu đó, gia đình chị Trần Ngọc Điềm (ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM) là một trong những hộ có thâm niên hơn 15 năm trồng rau ăn quả (khổ qua, dưa leo…), đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên 6.000m2 rau ăn quả, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế gia đình.
Chị kể, từ trước năm 2000, gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng không mấy hiệu quả. Từ năm 2003 trở đi, được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, học tập về cách trồng rau do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện tổ chức, chị chuyển sang trồng rau ăn quả.
Chị Trần Ngọc Điềm mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên 6.000m² rau ăn quả
Như bao hộ trồng rau khác ở địa phương, những năm đầu sản xuất, chị sử dụng cách tưới thủ công trên 6.000m² diện tích đất của gia đình. Khi ấy, ngoài hai vợ chồng, hàng ngày chị phải thuê thêm 2 công lao động (mỗi công 150,000 đồng/ngày) để phụ tưới nước, làm đất…, tốn kém về chi phí và thời gian. Đến năm 2013, nhờ người cháu làm ở Công ty liên doanh Hạt giống Đông Tây tư vấn, giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây rau, sau khi tham khảo, chị và ông xã đã đồng ý lắp đặt thử trên một phần nhỏ diện tích. Sau khi lắp đặt, thấy hiệu quả của công nghệ tưới nhỏ giọt giúp gia đình tiết kiệm khá nhiều chi phí về công lao động, lượng nước, điện tiêu thụ… nên hai vợ chồng quyết định lắp đặt hết hệ thống tưới nhỏ giọt trên 6.000m² đất trồng rau. Tổng chi phí 2 lần lắp đặt là gần 30 triệu đồng.
Chia sẻ về ưu điểm của hệ thống tưới nhỏ giọt, chị nói nhiều người tưởng tưới nhỏ giọt thì lâu, nhưng thực ra lại nhanh hơn tưới bằng vòi hay tưới tràn. Bởi khi tưới tràn, mỗi người phải cầm một vòi bơm dịch hết cây này sang cây khác. Trong khi với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần vặn van điều khiển một cái thì có thể phục vụ một lúc cho hàng trăm cây rau, nên thời gian tưới ngắn hơn 1/2 so với tưới bằng vòi hay tưới tràn. Khi dùng tưới nhỏ giọt, chị có thể tiết kiệm được 100.000 -120.000 đồng/người/ngày về chi phí thuê người làm. Chị phân tích, nếu thuê một người làm phải trả 150.000 đồng/ngày để tưới, nhưng sử dụng tưới nhỏ giọt chỉ tốn 20.000 - 30.000 đồng/ngày về chi phí tiền điện bơm nước. Không những vậy, tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm được nguồn nước tưới, sản phẩm thu hoạch đạt kết quả cao.
Hiện nay, một ngày chị có thể thu từ 450 - 500 kg khổ qua và dưa leo cung cấp cho thị trường. Nếu giá cả ổn định, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ trồng rau của gia đình chị khoảng 500.000 - 600.000 đồng/ngày.
Từ sự nhạy bén, mạnh dạn học hỏi và ứng dụng thực tế về những kiến thức tiên tiến của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, gia đình chị được xem là một trong những hộ đi đầu về kỹ thuật cơ giới hóa trồng rau ở địa phương.
Từ mô hình của chị Điềm, hiện đã có một vài hộ trong vùng đến học hỏi và đầu tư theo hướng sản xuất của chị để giảm chi phí trong sản xuất, nâng năng suất sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần đưa kinh tế địa phương ngày một tăng cao.
MINH HIẾU