Nhà Bè là một trong những huyện ngoại thành của TPHCM phát triển về nuôi trồng thủy sản truyền thống, trong đó có khoảng 180ha diện tích nuôi cá, chủ yếu là cá rô phi, trê lai, cá trắm, cá chép... Đa số các hộ nông dân ở đây đều nuôi trồng theo kiểu “nuôi ghép” để tận dụng mặt nước và phát triển kinh tế theo hình thức tổng hợp VAC (vườn - ao - chuồng). Gia đình ông Lưu Huỳnh Đệ (ảnh, ngụ ấp 4, xã Phước Lộc) là một trong những hộ đạt hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nông nghiệp VAC.
Gia đình ông Lưu Huỳnh Đệ vừa nuôi tôm, nuôi cá vừa trồng lan, nuôi heo… Riêng nuôi trồng thủy sản, gia đình ông đã gắn bó hơn 10 năm nay, với tổng diện tích là 2ha (trong đó có 8.000m² của gia đình để nuôi cá và 1,2ha là diện tích thuê để nuôi tôm, cua).
Về nuôi cá, gia đình ông Đệ chủ yếu nuôi cá chim trắng, cá phi, cá tra, cá rồ ghém… vì theo ông các giống cá này dễ nuôi, dễ có mối bán, nhất là với các mối mua về phục vụ cho những ao nuôi câu cá giải trí thì giá bán được cao (khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, trong khi bán cho các mối khác chỉ 13.000 đồng/kg). So sánh giá như trên, mỗi tấn gia đình ông thu tiền chênh lệch được 5 - 6 triệu đồng/tấn và trung bình mỗi năm, gia đình ông bán cá cho các mối mua về phục vụ ao nuôi câu cá giải trí khoảng 8 - 10 tấn.
Nhưng làm nông nghiệp phụ thuộc nhiều về điều kiện khí hậu thời tiết, như những năm gần đây, nguồn nước bị xâm nhập mặn nhiều, kéo theo việc nuôi cá không đạt kết quả cao. Để duy trì kinh tế, ông Đệ đã chuyển qua nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua biển. Ông Đệ kể, khi nuôi cá không còn đạt kết quả cao như những năm trước, ông chuyển sang nuôi tôm sú, nhưng hiệu quả cũng không cao. Do thời gian nuôi tôm sú quá dài, độ rủi ro lớn và thường bị thương lái ép giá. Biết khó khăn, nhưng không bỏ cuộc, ông lại tiếp tục chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, vì nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ 1,5 - 2 tháng là thu hoạch, giá bán cũng bình ổn (khoảng 130.000 đồng/kg).
Vốn là người siêng năng, cần mẫn, nên ngoài nuôi trồng thủy sản ông Đệ còn nuôi hơn 20 con heo thịt. Để tiết kiệm thức ăn cho heo, cá, ông chịu khó dậy sớm từ 1 giờ, ra chợ Rạch Đông mua phế phẩm từ các sạp cá (như cá thát lát, cá biển…) về nấu chín cho heo ăn.
Theo ông, những thức ăn này giúp heo lớn rất nhanh, chỉ sau 3 tháng đã được 1 tạ/con. Không những vậy, ông rất chịu khó trong sản xuất nên không dừng ở việc chăn nuôi heo hay nuôi trồng thủy sản, mà còn chuyển sang trồng lan Denrobium (do Trạm Khuyến nông huyện Nhà Bè đầu tư 1.000 cây giống) và hiện nay vườn lan của ông đã cho thu hoạch.
Sự nỗ lực hết mình trong sản xuất từ mô hình tổng hợp VAC đã giúp gia đình ông Đệ từ hai bàn tay trắng đến nay đã trở thành một trong những hộ khá giả ở địa phương, con cái được ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định.
Gần 20 năm gắn bó với nghề nông, ông Đệ chia sẻ một cách chân thật: “Nhìn cơ ngơi hiện nay của gia đình mình, tôi rất phấn khởi. Trước đây không có vốn vay nên gia đình cũng khó khăn, từ khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, tôi đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng để phát triển kinh tế. Một điều may mắn nữa là gia đình tôi được Trạm Khuyến nông hỗ trợ về cây trồng, cũng như các kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Dù bản thân tôi chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hộ điển hình khác ở địa phương, nhưng để có được kinh nghiệm trong sản xuất, tôi không thể không nhắc đến sự tận tình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp ở địa phương đã giúp tôi có được những thành quả như hôm nay. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hộ nông dân ở địa phương cũng như ở các nơi khác cũng mạnh dạn phát huy khả năng chăn nuôi, trồng trọt của gia đình, để xây dựng kinh tế ổn định hơn, có cuộc sống đầy đủ và tiện nghi hơn”.
VÂN TÂM