Trong những năm qua, nghề trồng rau ăn lá theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp đô thị. Do vậy, diện tích rau ăn lá tại các địa phương luôn được duy trì và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa trên các địa bàn diễn ra nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, giá lao động tăng cao, trong khi sản xuất rau ăn lá đòi hỏi nhiều lao động phục vụ cho khâu chăm sóc, thu hoạch, đã gây khó khăn cho người trồng rau. Phần lớn các hộ trồng rau ăn lá chủ yếu là trồng, chăm sóc rau bằng phương pháp thủ công truyền thống, trong khi công nghệ hiện đại yêu cầu phải có hệ thống tưới phun để chủ động kiểm soát, điều chỉnh chế độ nước, đồng thời khắc phục tình trạng khan hiếm lao động nông thôn.
Vườn rau ăn lá trang bị hệ thống tưới phun bán tự động tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi
Hiện nay, mô hình canh tác rau ăn lá theo quy trình VietGAP có trang bị hệ thống tưới phun bán tự động vừa góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người lao động, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa giúp tăng năng suất cây trồng từ 20 tấn/ha/vụ lên 25 - 30
tấn/ha/vụ; giảm 20% chi phí thuốc bảo vệ thực vật và 15% chi phí phân bón. Đặc biệt, sử dụng hệ thống tưới phun sẽ đảm bảo tưới đều khắp vườn rau, tạo ra ẩm độ thích hợp, giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt; tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới so với tưới bằng tay; rút ngắn 1/3 thời gian tưới trong ngày, thay thế được 5 - 10 lao động/ha so với tưới thủ công, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay trong các vùng sản xuất rau tập trung; giảm giá thành sản xuất trên 10% so với tưới thủ công, tăng thu nhập cho người trồng rau; tạo điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, tăng sản lượng rau ăn lá cung cấp cho nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện tiêu chí tăng thu nhập cho nông dân tại các xã nông thôn mới.
Ông Phạm Như Đà (ở ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi), một hộ tham gia mô hình trình diễn khuyến nông “Cơ giới hóa hệ thống tưới phun trong trồng rau ăn lá”, phấn khởi cho biết: “Canh tác rau theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân chúng tôi được hưởng nhiều lợi ích. Ngoài việc giảm lượng thuốc trừ sâu, sức khỏe ít bị ảnh hưởng, thì giá trị kinh tế mang lại cũng cao hơn trước nhờ năng suất tăng lên, chi phí sản xuất giảm. Bên cạnh đó, sản xuất rau an toàn theo VietGAP thì nước tưới là một trong những tiêu chí quan trọng, đảm bảo cho rau phát triển tốt nhất. Thực tế, việc trang bị hệ thống tưới phun trên diện tích sản xuất 3.500m2 rau ăn lá các loại tại gia đình tôi, ước tính hàng tháng tiết kiệm hơn 3 triệu đồng tiền nước, cho thấy hiệu quả kinh tế của hệ thống tưới phun là khá cao so với tưới thủ công”. Vì vậy, để nghề trồng rau phát triển bền vững, người dân cần áp dụng mô hình sản xuất theo VietGAP và mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào các khâu canh tác, để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.
Th.S LIỄU KIỀU