Nở rộ mô hình sản xuất VietGAP
Tây Ninh có trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại. Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng có diện tích 27.000ha với sức chứa 1,5 tỷ m3 nước tưới cho đồng ruộng trên địa bàn tỉnh, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Để tạo đà cho sự phát triển, tỉnh Tây Ninh đang triển khai và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gắn với công nghệ cao.
Theo rà soát của Sở NN- PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện nay trên địa bàn đang nở rộ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích hơn 200ha, bưởi da xanh hơn 1.000ha, chuối già xuất khẩu với 380ha, 38 mô hình sản xuất rau an toàn, 33 trang trại trồng rau nhà kính và 90ha sản xuất hoa lan. Các mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Trong xu thế hội nhập hiện nay, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang có cơ hội lớn về thị trường để giải quyết đầu ra cho mỗi sản phẩn. Tuy nhiên, xu thế bảo hộ nông nghiệp ngày càng tăng nên sản phẩm phải có tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường thế giới ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên hết, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được xem là nhu cầu cấp thiết kèm theo các mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 toàn tỉnh có 140.000ha lúa, 62.000ha mì, 10.000ha mía…, với tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp; có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu, xác định nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với du lịch là hướng phát triển trọng tâm, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó giải pháp phát triển theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào trang trại chăn nuôi, vùng ứng dụng công nghệ cao; nâng cấp duy tu các công trình thủy lợi; tập trung đào tạo và thu hút nguồn lực kết hợp tham gia các định chế tài chính từ nguồn Chính phủ để đầu tư nông nghiệp.