Hình thành chuỗi thực phẩm an toàn

Mặc dù bị nghiêm cấm, nhưng việc sử dụng chất tăng trọng thuộc nhóm beta Agonist trong chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo vẫn bị sử dụng một cách khá phổ biến. Vùng chăn nuôi tập trung lớn cả nước là Đông Nam bộ, cụ thể là tỉnh Đồng Nai, vừa qua các cơ quan chức năng đã bắt trường hợp mua bán 3kg chất tăng trọng là một điển hình mà nhiều năm qua dư luận vẫn âm ỉ về việc không ít trại chăn nuôi heo thường xuyên sử dụng và xuất hiện một thị trường ngầm về đường dây kinh doanh chất cấm này trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhưng theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TPHCM, sắp tới TP sẽ sử dụng thiết bị kiểm nghiệm nhanh, có kết quả trong vài phút để kiểm tra các loại thịt lưu hành trên địa bàn TP, đặc biệt là các cửa ngõ vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào TP và các chợ đầu mối.

Với thiết bị này, những chất như Salbutamol (một loại thuốc trị hen xuyễn), Clenbuterol… thường được sử dụng trong chăn nuôi gia súc và gia cầm sẽ được phát hiện ngay. Hiện nay thiết bị được sản xuất trong nước này đang được Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn nghiệm thu để làm cơ sở pháp lý cho việc sử dụng và xử lý các trường hợp vi phạm.

Trước đây, để có kết quả kiểm tra phải mất trung bình 3 ngày nên việc xử lý không khả thi đối với các trường hợp vi phạm. Như vậy, kể từ khi Chi cục Thú y TPHCM khảo sát và phát hiện việc các chất trên sản phẩm động vật năm 2006 đến nay, việc kiểm tra và xử lý tại chỗ đã mang tính khả thi.

Cũng theo ông Phan Xuân Thảo, khi đã được 2 bộ nghiệm thu, những mẫu thịt động vật nào phát hiện có tồn dư những chất kể trên sẽ bị giữ lại và tiêu hủy. Đây là thông tin vui cho người tiêu dùng trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề được quan tâm chung của toàn xã hội.

Trước tết Chi cục Thú y TPHCM đã ký kết với 5 tỉnh cung cấp trên 83% nguồn động vật và sản phẩm động vật như heo, bò, gà… và trứng gia cầm cho người tiêu dùng TP là Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương về việc thống nhất kiểm dịch và các cơ sở chăn nuôi, giết mổ phải đảm bảo vệ sinh thực phẩm mới được đưa về TP.

Theo đó, TPHCM và các tỉnh kể trên khuyến khích các chủ trại áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi, từng bước kết nối để hình thành các chuỗi thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi an toàn tại TPHCM. Với việc ký kết này, những tiêu chuẩn áp dụng tại TPHCM trước nay sẽ được các tỉnh cùng áp dụng đồng bộ.

Cũng tại buổi ký kết này đã diễn ra việc ký kết thỏa thuận mua bán giữa nhà kinh doanh hàng đầu như Saigon Co.op với đại diện một số nhà cung cấp dự kiến tham gia chuỗi thực phẩm an toàn này như Vissan, Sagrifood (Công ty Chăn nuôi và chế biến Sài Gòn), Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt và các chủ trại chăn nuôi lớn của các tỉnh…

Theo Chi cục Thú y TPHCM, mỗi ngày TP tiêu thụ khoảng 1.000-1.100 tấn sản phẩm động vật, bao gồm cả sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu và khoảng 3 - 3,5 triệu trứng gia cầm, trong đó, 75% - 85% lượng sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP, riêng trứng gia cầm gần như 100%. Trong đó 5 tỉnh kể trên cung ứng hơn 83% sản phẩm động vật và gần 60% sản lượng trứng gia cầm.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục