Hình thành thói quen sử dụng thuốc nội

“Thuốc ngoại, thuốc đắt tiền mới là thuốc tốt” là tâm lý chung, hình thành từ rất lâu, có phần do sính ngoại đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với mức hoa hồng khủng, đội ngũ trình dược viên hùng hậu, các sản phẩm thuốc ngoại len lỏi vào khắp các bệnh viện, nhà thuốc, lấn át và chèn ép các sản phẩm thuốc nội suốt thời gian dài trong những năm trước đây.
Hình thành thói quen sử dụng thuốc nội

“Thuốc ngoại, thuốc đắt tiền mới là thuốc tốt” là tâm lý chung, hình thành từ rất lâu, có phần do sính ngoại đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với mức hoa hồng khủng, đội ngũ trình dược viên hùng hậu, các sản phẩm thuốc ngoại len lỏi vào khắp các bệnh viện, nhà thuốc, lấn át và chèn ép các sản phẩm thuốc nội suốt thời gian dài trong những năm trước đây.

Hình thành thói quen sử dụng thuốc nội ảnh 1

Đưa thuốc Berberal sản xuất tại Công ty Nadyphar ra phục vụ bình ổn thị trường.Ảnh: CAO THĂNG

Trước thực trạng đáng buồn của ngành dược trong nước, qua kinh nghiệm thực hiện bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu và đồ dùng dụng cụ học tập, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Thành ủy TPHCM, từ năm 2011, UBND TP đã mạnh dạn giao trách nhiệm Sở Y tế phối hợp các sở - ngành tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.

Khởi đầu từ 4 doanh nghiệp (DN) tham gia, thực hiện cung ứng 45 mặt hàng thuốc sản xuất trong nước điều trị các loại bệnh thường gặp, bệnh mãn tính và có nhu cầu sử dụng nhiều như thuốc cảm sốt, giảm đau, chống dị ứng, đau dạ dày, thấp khớp… phục vụ người dân TP. Chỉ qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình đã có 13 DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối dược phẩm trong nước tham gia, thực hiện cung ứng 21 nhóm thuốc, với 80 hoạt chất, 392 mặt hàng, đáp ứng nhiều hơn và chiếm xấp xỉ 50% nhu cầu sử dụng các nhóm thuốc thiết yếu người dân TP thường sử dụng và có giá bán ổn định, thấp hơn giá thị trường các sản phẩm cùng loại từ 5% - 10%.

Mạng lưới phân phối của chương trình từ hơn 400 nhà thuốc, đến nay đã nhanh chóng tăng lên 2.336 nhà thuốc, trong đó có 1.686 nhà thuốc tư nhân, 107 nhà thuốc trong toàn bộ bệnh viện trên địa bàn TP và 543 nhà thuốc và đại lý thuốc của DN, số điểm bán phủ rộng và chiếm gần 55% số điểm bán thuốc lẻ trên địa bàn.

Trong năm đầu tiên thí điểm, do số lượng DN và danh mục thuốc còn hạn chế nên doanh số rất khiêm tốn chỉ ở mức 6,75 tỷ. Bước sang năm thứ 2, doanh số thuốc bình ổn đã tăng lên 44,99 tỷ đồng. Trong 4 tháng thực hiện năm 2013, doanh số chương trình đã lên đến 26,4 tỷ đồng. Đối với từng DN tham gia chương trình, doanh thu từ mặt hàng thuốc bình ổn đã tăng lên 20% so cùng kỳ, góp phần đưa số lượng tiêu thụ thuốc nội tăng tương ứng.

Theo ông Nguyễn Hữu Niên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Pymepharco, tham gia Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu có thể xem là giải pháp hiệu quả nhất để đưa các mặt hàng thuốc của DN vào các bệnh viện. Tỷ lệ giá trị thuốc trong danh mục bình ổn thị trường trên tổng giá trị thuốc nội được sử dụng ở các bệnh viện TP tăng nhanh từ 10% - 20%, bệnh viện tuyến quận - huyện tăng từ 20% - 30%.

Bên cạnh kết quả khả quan rất đáng khích lệ trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch đề ra của chương trình, những đóng góp to lớn, không thể lượng hóa từ kết quả triển khai đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị thông qua chương trình hành động cụ thể “Thuốc Việt cho người Việt” của Sở Y tế. Đó là việc thay đổi nhận thức của cả bác sĩ lẫn người bệnh trong sử dụng thuốc nội. Nhiều bệnh viện trên địa bàn đã hưởng ứng tích cực việc thực hiện chương trình, vận động và triển khai nhiều biện pháp khuyến khích bác sĩ thay đổi dần thói quen kê toa thuốc ngoại cho bệnh nhân đối với các loại bệnh thông thường và hình thành, khuyến khích bệnh nhân sử dụng các loại thuốc trong Chương trình bình ổn thị trường. Lượng thuốc nội, thuốc bình ổn thị trường được kê toa trong điều trị ngoại trú thống kê liên tục tăng lên qua từng tháng. Đối với các bệnh viện tuyến TP, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đạt đến 45% trong tổng giá trị thuốc điều trị, riêng các bệnh viện tuyến quận - huyện, tỷ trọng này đạt tới 65%.

Có thể thấy, giá trị số lượng thuốc nội sử dụng trong điều trị nội và ngoại trú gia tăng đã cho thấy sự đúng đắn, nhạy bén và quyết liệt của lãnh đạo TP trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất trong nước, chăm lo sức khỏe, đời sống nhân dân, sự chủ động của các sở - ngành, tích cực của DN và sự hưởng ứng, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị của TP.

NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục