46 năm đã qua, hình ảnh Hàng không mẫu hạm USNS CARD bốc cháy dữ dội tại cảng Sài Gòn vẫn như một hình tượng bất khuất mà chiến sĩ biệt động Lâm Văn Náo và đồng đội đã lập nên giữa Sài Gòn rạng sáng ngày 2-5-1964.
Sài Gòn rung chuyển
Chiếc tàu chiến Hàng không mẫu hạm hiện đại của Mỹ mang tên USNS CARD đã từng có mặt trong Thế chiến thứ hai. Nó đang chở theo hơn 200 máy bay chiến đấu và nhiều vũ khí tối tân từ nước Mỹ đi qua nửa vòng trái đất đến Việt Nam cung cấp vũ khí cho cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ tại chiến trường miền Nam.
Qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác Hồ đã biểu dương lực lượng du kích miền Nam và mong “các cô, các chú hãy phát huy chiến thắng này, tiếp tục đánh mạnh, đánh thắng nhiều hơn nữa…”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng phấn khởi khẳng định: “Chúng ta đã có chiến thắng đặc biệt này để trả lời cho chiến tranh đặc biệt của Mỹ…”. Bưu điện Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã in một con tem kỷ niệm hình ảnh Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh đắm tại cảng Sài Gòn… |
Nhìn chiếc tàu chiến sừng sững trên dòng sông Sài Gòn nhỏ bé, lòng căm thù dâng lên ngùn ngụt trong trái tim chàng trai Lâm Văn Náo (tức Ba Náo), người chiến sĩ biệt động đang trà trộn làm công nhân cảng Sài Gòn. Đúng lúc ấy, cấp trên có lệnh cho Đội Biệt động Sài Gòn - Gia Định phải tìm cách đánh chìm tàu. Đồng chí Phạm Văn Hai, Đội trưởng Đội Biệt động 65 đã phân công Ba Náo cùng một chiến sĩ biệt động nữa là Nguyễn Phú Hùng (tức Hai Hùng) trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Thời điểm bấy giờ, khó khăn nhất vẫn là vũ khí. Kiếm đâu ra vũ khí ở Sài Gòn; bằng cách nào để vận chuyển một lượng lớn chất nổ qua đồn bót địch lọt vào nội thành là một câu hỏi làm đau đầu Ba Náo và đồng đội.
Để “giải quyết”, vợ chồng đồng chí Cao Văn Tường (tức Sáu Tường) đã cảm tử vượt qua các trạm kiểm soát của địch bí mật đưa thuốc nổ vào Sài Gòn. Biết cái giá phải trả bằng xương máu mới có được vũ khí nên Ba Náo tìm cách thu gom lại số vũ khí bị hỏng trong trận đánh tàu lần trước để đem về chế tạo lại thành hai khối thuốc nổ nặng 80kg, mỗi khối nặng 40kg và 2kg C4 bao quanh kíp nổ, tạo sức công phá cực mạnh.
Chế tạo vũ khí xong, Ba Náo cùng Hai Hùng bí mật đưa thuốc nổ vào cảng gài đặt trong sự canh phòng cẩn mật và gắt gao của kẻ địch. Nhờ làm việc lâu năm tại cảng, Ba Náo biết có một đường cống thoát nước dẫn ra cảng mà kẻ địch ít để ý vì chúng cho rằng cửa cống hai đầu đã khóa chặt, không ai có thể chui lọt. Nhưng chúng đã lầm…
Chỉ 10 phút sau khi Ba Náo và Hai Hùng gài xong thuốc nổ về đến nhà, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên làm rung động cả Sài Gòn. Ngay hôm sau, các hãng thông tấn báo chí của Anh, Mỹ đồng loạt loan tin nóng hổi: “Tàu chiến Mỹ USNS CARD bị Việt cộng đánh chìm ở cảng Sài Gòn lúc 3 giờ sáng ngày 2-5-1964…”. Bản tin thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ thủ đô Hà Nội cũng đưa tin thắng trận: “Lúc 3 giờ sáng 2-5-1964, tại cảng Sài Gòn, lực lượng du kích Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã đánh chìm tàu chiến của Mỹ vận chuyển vũ khí và máy bay vào miền Nam…”.
Được tin này, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác vui mừng khôn xiết… Trong sách Lịch sử lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia định của Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM sau này ghi rõ chiến công: “Tàu USNS CARD của Mỹ bị nổ tung và chìm xuống đáy sông làm 120 tên Mỹ chết và bị thương, 24 máy bay các loại bị phá hủy…”.
Giữ vững khí tiết
Chiến công vang dội khắp nơi nhưng do điều kiện hoạt động bí mật nên Ba Náo và Hai Hùng vẫn phải ẩn mình. Tại đại hội mừng công của Quân khu Sài Gòn - Gia Định năm 1964, Ba Náo được đồng chí Phạm Văn Hai bố trí cho gặp riêng đồng chí Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu. Đồng chí Trần Hải Phụng xiết chặt tay Ba Náo và Phạm Văn Hai khen: “Biệt động các đồng chí giỏi lắm, không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn vang dội khắp năm châu bốn biển đấy…”. Sau trận đánh tàu, Ba Náo và Hai Hùng được lệnh rút lui vào căn cứ.
Năm 1967, hai người lại trở về Sài Gòn hoạt động. Cũng thời gian này, Hai Hùng hy sinh trong một trận chống càn tại Cần Giờ còn Ba Náo bị quân chiêu hồi chỉ điểm bắt nhốt ở khám Chí Hòa, sau đó đưa đi đày ở Côn Đảo suốt 5 năm. Dù phải sống trong chuồng cọp của kẻ thù nhưng Ba Náo thà chết chứ không chào cờ giặc, quyết giữ vững khí tiết cho đến hơi thở cuối cùng.
Sau Hiệp định Paris, địch không khai thác được gì nên chúng đưa ông cùng 124 tù nhân khác thả về đất liền. Sau khi hồi phục sức khỏe, Ba Náo lại tiếp tục hoạt động cách mạng và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ba Náo không quên người đồng đội cùng đánh chiến hạm năm xưa. Ông đã lặn lội tìm được hài cốt Hai Hùng đưa về nghĩa trang liệt sĩ và hàng ngày thờ cúng. Còn một điều đặc biệt khác, Ba Náo vẫn giữ nguyên lời hứa với đồng đội Hai Hùng là trở thành sui gia với ông...
Minh Ngọc