Vì sao lao động kỹ thuật thường xuyên thiếu, cung không đủ cầu, trong khi các trường nghề dù mở rộng cửa vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu? Câu hỏi tuy không mới nhưng đến nay, các trường nghề vẫn loay hoay tìm câu trả lời…
Đỏ mắt tìm người học
Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo là một trong những trường đào tạo nghề có truyền thống nhưng mùa tuyển sinh năm nay cũng thưa thớt học viên đến nộp hồ sơ nhập học.
Hiệu trưởng Nguyễn Phan Hòa cho biết: “Hàng năm, ngoài việc giới thiệu mô hình đào tạo, trang thiết bị mới, chương trình đào tạo, trường còn thường xuyên liên hệ với các trường THPT và THCS để phối hợp làm công tác tư vấn học nghề, giới thiệu về tuyển sinh đào tạo của trường. Ngoài ra, trường còn giới thiệu các chương trình đào tạo và khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm thu hút học sinh. Thế nhưng, trường cũng chỉ mới tuyển được 240/610 chỉ tiêu học viên. Điều đáng nói là trường xét tuyển học sinh có trình độ THCS và kéo dài nhiều đợt nhưng vẫn thiếu người học”.
Tương tự, ông Dương Minh Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Quang Trung cho hay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường trên 500 nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được một nửa. Trong số học viên trường tuyển được, hầu hết tốt nghiệp THCS, số ít còn lại là học sinh THPT thi rớt tốt nghiệp. Theo ông Kiên, qua tìm hiểu tại một số trường trên địa bàn quận Gò Vấp, đa phần những học sinh tốt nghiệp THPT đều đăng ký học hệ cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Khó tuyển học viên, tuyển không đủ chỉ tiêu là thực trạng chung của các trường trung cấp nghề hiện nay. Bên cạnh đó, một thực tế dễ nhận thấy là sự mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Những ngành mũi nhọn đáp ứng nhu cầu phát triển, có cơ hội tìm việc làm cao như điện, điện lạnh, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cơ khí chính xác... lại thiếu học viên. Ngược lại, các ngành kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, tin học… hệ trung cấp hiện nay đang dư thừa nhưng lại có số học viên đăng ký rất đông.
Loay hay tìm hướng ra
|
Khó khăn, trở ngại lớn đối với các trường trung cấp nghề hiện nay là bị các loại hình trường đào tạo khác cạnh tranh gay gắt. Trước hết là việc Bộ GD-ĐT cho phép quá nhiều trường ĐH, CĐ mở hệ đào tạo trung cấp. Bên cạnh đó, việc cho phép nâng cấp một loạt trường từ trung cấp lên CĐ có đào tạo hệ trung cấp nghề đã khiến hàng loạt trường trung cấp nghề như “ngồi trên lửa”.
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các trường nghề đều cho rằng, nếu cứ đà này, tương lai không ít trường nghề phải đóng cửa. “Muốn tồn tại, không còn cách nào là chúng tôi phải xin nâng cấp trường lên CĐ mới mong thu hút được học viên. Tuy nhiên, về lâu dài, các trường nghề phải cần đến chính sách điều tiết, phân luồng vĩ mô từ cấp nhà nước. Bởi hiện nay Nhà nước đang khuyến khích phát triển dạy nghề, học nghề trong khi chưa có cơ chế ưu đãi cho người dạy và học. Thậm chí, cho đến nay, vẫn chưa có thang bảng lương dành cho hệ trung cấp nghề. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, cũng như trang thiết bị dạy học của các trường nghề cũng cần phải xem lại”, hiệu trưởng một trường trung cấp nghề bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, năm 2011, tổng chỉ tiêu các trường CĐ, trung cấp nghề và ĐH-CĐ có đào tạo nghề đóng trên địa bàn TPHCM là 123.000 chỉ tiêu. Trong đó bậc cao đẳng nghề có 19.115 chỉ tiêu, trung cấp nghề 15.970 chỉ tiêu và sơ cấp nghề là 87.828 chỉ tiêu. Đó là chưa kể 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh của các trường có đào tạo nghề thuộc quản lý của Sở GD-ĐT TPHCM.
“Chỉ tiêu nhiều nhưng rất khó để tìm đủ học viên. Nhiều trường nghề đã quảng cáo ngay trong các kỳ tư vấn tuyển sinh từ nhiều tháng trước. Thậm chí có trường đã tranh thủ phát tờ rơi giới thiệu khi thí sinh đi thi ĐH nhưng vẫn tuyển không đủ. Năm nay, các trường nghề tiếp tục một mùa khó tuyển sinh, do chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ tăng, cùng đó là mức độ cạnh tranh về ngành học ngày càng khắc nghiệt. Để thu hút học sinh vào trường nghề, cần tăng cường công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh từ bỏ những định kiến về học nghề. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng cần đầu tư trang thiết bị dạy nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, nâng cao tay nghề, trình độ giáo viên… Tuy nhiên, để làm được điều đó không dễ trong một vài năm mà cần chiến lược lâu dài”, ông Hiệp cho biết.
HỒ THU
Thừa thầy, thiếu thợ
Luật Dạy nghề đã có hiệu lực hơn 4 năm và đã chia khối dạy nghề do Bộ LĐTB-XH quản lý ra 3 cấp độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Cũng từ đó, việc học liên thông từ bậc sơ cấp nghề lên trung cấp hay cao đẳng nghề được thực hiện. Trong khi đó, chương trình đào tạo giữa các cấp học thuộc Bộ GD-ĐT quản lý lại thông thoáng hơn, học viên có thể học liên thông từ trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng và đại học.
Các trường nghề cho rằng, đây là nguyên nhân khiến việc tuyển sinh gặp khó khăn vì học viên không có cơ hội liên thông lên bậc học cao hơn. Chính vì vậy mà đến cuối năm 2010, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đã ban hành Thông tư liên tịch số 27. Theo đó, học viên từ trình độ trung cấp, cao đẳng nghề có thể học liên thông lên cao đẳng và đại học.
Thông tư 27 đã mở ra con đường cho những học viên học nghề muốn tiếp tục phát triển nghề nghiệp mà trước đó không có cơ hội được vào đại học một cách chính thức. Những tưởng con đường liên thông giữa hai bộ đã thông thoáng thì trường nghề sẽ khởi sắc. Thế nhưng, trên thực tế, học sinh vẫn đổ xô đi thi đại học, có người thi đi thi lại 2-3 lần trong khi trường nghề thì vẫn cảnh đìu hiu chợ chiều.
Một chuyên gia về lao động phân tích, xét về hiệu quả lao động, 1 lao động trình độ đại học, cần 5 lao động cao đẳng và 10 lao động trung cấp giúp việc… nhưng thực tế thị trường nước ta lại đang đi ngược lại. 1 lao động trung cấp nghề có đến 10 lao động đại học và 5 lao động cao đẳng hướng dẫn.
Thực tế đó xuất phát từ việc phân luồng học sinh chưa tốt, tâm lý học sinh và phụ huynh vẫn trọng thầy hơn thợ. Bởi vậy, họ chỉ học nghề khi… chuột chạy cùng sào. Bên cạnh đó, về mặt chính sách, ở các nước, người có kỹ năng nghề cao sẽ có lương cao. Thu nhập được trả theo công việc, trình độ và kỹ năng của người lao động. Nhưng ở nước ta, do việc xếp lương theo thang, bảng lương, đặc biệt với hệ thống doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp, cứ người nào có học đại học, không cần biết công việc thế nào, đương nhiên có lương cao hơn người học nghề. Thậm chí người học nghề hiện nay vẫn chưa có thang bảng lương chính thức của nhà nước.
Đó là chưa kể, chỉ trong thời gian ngắn gần đây, hàng loạt trường đại học mới được thành lập, hàng loạt trường đua nhau “nâng cấp”. Sơ cấp lên trung cấp, trung cấp lên cao đẳng và cao đẳng lên đại học chưa kể đến các lớp tại chức, từ xa, liên kết, hệ mở… liên tục được mở ra với số lượng tuyển sinh khổng lồ trong khi cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo còn thiếu thốn, cơ hội tìm kiếm việc làm chưa cao, thu nhập còn chưa tương xứng, khả năng ổn định nghề nghiệp thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến thầy nhiều hơn thợ. Điều này dẫn đến nghịch lý lao động vừa thừa vừa thiếu - người tốt nghiệp ĐH thất nghiệp, còn doanh nghiệp đỏ mắt tìm công nhân lành nghề.
HỒ VIỆT
| |