Hồ cấp nước bị xâm hại

Là nơi cung cấp nước cho hai nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), nhưng thời gian gần đây, hồ Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Hồ cấp nước bị xâm hại

Là nơi cung cấp nước cho hai nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), nhưng thời gian gần đây, hồ Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Đủ kiểu xâm hại

Hồ Đan Kia có diện tích 400ha, dung tích 20 triệu m3, là nơi cung cấp nguồn nước cho hai nhà máy nước sạch Đan Kia - Suối Vàng (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng) và Đan Kia 2 (Công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Đan Kia). Thời gian gần đây, tại tổ dân phố Đan Kia (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), một nhánh hồ dài khoảng 500m, rộng từ 20-50m bị người dân “chặn” dòng bằng con đập cao khoảng 5m, để biến thành “ao riêng” cung cấp nước cho các hộ có đất trồng rau, dâu tây và hoa. Cách đập ngăn nước khoảng 100m, người dân lại dùng máy múc đất tại ngọn đồi gần đó đổ xuống hồ, rồi san gạt mặt bằng lấy đất sản xuất. Ngược lên phía thượng nguồn hồ Đan Kia, tình trạng lòng hồ bị xâm lấn diễn ra khá phổ biến, khiến dung tích chứa nước của hồ bị suy giảm.

Không chỉ san gạt, lấn chiếm hồ, người dân còn vô tư xả rác thải nông nghiệp (bao bì, vỏ chai thuốc trừ sâu, vỉ xốp…) ra môi trường, mỗi khi có mưa là số rác này bị tuồn xuống hồ Đan Kia. Đặc biệt, gần đây, tại khu vực đồi thông cách mép hồ Đan Kia chừng 100m xuất hiện một bãi rác sinh hoạt tự phát, nguy cơ nước bẩn ngấm vào hồ nước.

Một nhánh hồ Đan Kia bị người dân lấn hai bên, chỉ còn lại dòng chảy nhỏ.

Ông Võ Quang Tuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng, lo ngại: “Hàng năm chúng tôi phải tổ chức nhiều đợt đi vớt rác thải nông nghiệp trên mặt hồ. Chất lượng nước những năm gần đây có suy giảm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát cho phép. Nhà máy nước phải tăng thêm phèn, vôi để dung hòa nguồn nước, nhưng để đảm bảo chất lượng nguồn nước lâu dài cần phải có biện pháp mạnh mẽ đối với tình trạng này, bởi hiện tại đây là nguồn cung cấp nước sạch cho đô thị Đà Lạt, sẽ rất nguy hại nếu như nguồn cung cấp nước của cả thành phố du lịch bị ô nhiễm”.

Xử lý chưa mạnh tay

Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: “Phần lớn khu vực quanh hồ Đan Kia thuộc đất sản xuất ổn định, trước đây trồng cà phê, nhưng gần đây giá cà phê bấp bênh nên người dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng rau, hoa... Trước những diễn biến phức tạp, cuối tháng 1-2016, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành văn bản quy định, hướng dẫn việc san ủi đất nông nghiệp phải được cơ quan chức năng cho phép và phải đảm bảo không nguy hại tới môi trường chung, trường hợp nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Về lâu dài, huyện cũng đã đề xuất UBND tỉnh làm một trạm xử lý rác thải, nước thải ở khu vực phía hạ lưu hồ Đan Kia”. 

Riêng những khu vực bãi rác tự phát, theo ông Phạm Triều, quanh khu vực đó có rất ít dân cư sinh sống, nên số rác thải kể trên là do các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đem tới đổ. UBND huyện đã chỉ đạo cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường mật phục, nếu phát hiện trường hợp nào xả rác trái phép ra môi trường sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Ngày 30-3, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tới hiện trường kiểm tra tình trạng san lấp, xâm hại hồ Đan Kia. Tại đây, ông Phạm S chỉ đạo phải phá bỏ những phần sai phạm, buộc trả lại hiện trạng ban đầu; đồng thời yêu cầu phải kiểm điểm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng xâm hại hồ Đan Kia và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-4 để xử lý.

Một ngày trước đó, UBND huyện Lạc Dương cho biết đã xác định 4 trường hợp san ủi đất tại khu vực hồ Đan Kia với tổng diện tích 32.320m². Trong đó, UBND huyện đã xử phạt hành chính đối với ông Cil Síp (thị trấn Lạc Dương) 5 triệu đồng do san ủi, lấn chiếm 2.000m² đất phi nông nghiệp (đất thuộc lòng hồ Đan Kia); lập biên bản yêu cầu ông Kră Jăn Mơ (thị trấn Lạc Dương) phá bỏ toàn bộ tuyến đường “đê” dài 128m, rộng 2,5m đi qua lòng hồ; một trường hợp khác dù chưa được cấp quyền sử dụng đất nhưng vẫn sản xuất ổn định với diện tích 25.000m² đang chờ xử lý; riêng khoảnh đất đã san gạt 5.000m², cơ quan chức năng đang truy tìm đối tượng vi phạm.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục