Hô hào suông hay tăng cường kiểm tra, kiểm soát!

Sở Y tế TPHCM thông báo, lại thêm một vụ ngộ độc tập thể vừa xảy ra tại Trường Mầm non Cỏ Non (quận 2) khiến 67 học sinh phải nhập viện cấp cứu. Quả thật, những vụ ngộ độc như thế không xa lạ với ngành y tế cũng như ngành giáo dục TPHCM, thậm chí các bậc phụ huynh cũng đã ngán ngẩm với công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cả 2 ngành nói trên.

Cách nay chưa lâu, vào tháng 4 năm 2009, cũng tại địa bàn quận 2, một vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Bình Trưng Đông) khiến gần 100 học sinh phải nhập viện. Điều đáng nói, ngay chính thời điểm ngành y tế TPHCM phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, từ ngày 15-4 đến 15-5 hàng năm” thì tình hình ngộ độc thực phẩm lại tăng đột biến. Chẳng hạn ngay trong “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” năm 2009 có đến 7 vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra, mặc dù chủ đề được đưa ra nghe rất… kêu: “Cộng đồng trách nhiệm vì ATVSTP”.

Năm 2010, với chủ đề “Giữ vững cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp vì ATVSTP”, nhưng những vụ ngộ độc vẫn đang xảy ra, chưa có biểu hiện suy giảm. Và vụ ngộ độc ở Trường Mầm non Cỏ Non là một dẫn chứng. Những người không khỏi bức xúc vì cơ quan chức năng toàn đưa ra “khẩu hiệu” còn tác động trong thực tế rất ít.

Thậm chí ngay sau khi Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP TPHCM phát động “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2010” vào ngày 15-4 thì ngày 20-4 xảy ra một vụ ngộ độc tập thể khiến 14 công nhân của Công ty TNHH Ba Huân (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM) phải đi cấp cứu do ngộ độc thực phẩm!

Thực tế cho thấy, bình quân mỗi năm TPHCM xảy ra gần 30 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với cả ngàn người mắc phải và thường tập trung vào các tháng mùa nắng nóng, chưa kể hàng loạt vụ ngộ độc lẻ tẻ khác do ăn phải thức ăn đường phố… Điều đặc biệt, hễ cứ đến “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” thì số vụ ngộ độc lại gia tăng. Liệu có trùng hợp chăng! Hay việc phát động chỉ là hình thức?

Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM, hiện TP có 185 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể cho công nhân. Tuy nhiên, đến nay cũng mới hơn 70% bếp ăn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Ngoài ra, giá trung bình 6.000 - 10.000 đồng/suất ăn cho thấy khó có thể đảm bảo chất lượng thực phẩm vệ sinh, rõ nguồn gốc.

Cơ quan thực thi chịu trách nhiệm chính “canh gác” sức khỏe cho người dân không ai khác ngoài Sở Y tế. Vậy trách nhiệm của họ tới đâu?

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục