Theo Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, từ ngày 15-3-2017 (ngày Thông tư 39 có hiệu lực) đối tượng vay vốn chỉ có hai loại: thể nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, nếu muốn vay vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác, khách hàng có thể vay dưới tư cách cá nhân (chủ hộ) và các ngân hàng cho biết vẫn dành nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ kinh doanh với tư cách cá nhân.
Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam có trên 8 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này đều chưa phải là doanh nghiệp (DN). Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Thông tư 39 sẽ “loại” đối tượng hộ kinh doanh, tổ hợp tác ra khỏi việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Theo đó, các đối tượng này sẽ phải vay vốn với lãi suất cao như cá nhân vay tiêu dùng. Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng, quy định trên là một trong những cách để buộc các hộ kinh doanh phải nhanh chóng “nâng cấp” lên thành DN nhằm đáp ứng mục tiêu mà Chính phủ đề ra là có 1 triệu DN vào năm 2020.
Các hộ kinh doanh cá thể có nguồn vốn vay sẽ thuận lợi mở rộng kinh doanh. Ảnh: THÀNH TRÍ
Về việc này, đại diện Vụ Pháp chế (NHNN) cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, NHNN đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại các tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân tại Thông tư 39 cho phù hợp với bộ luật này. Tuy nhiên, vị này khẳng định, văn bản của NHNN không có quy định nào bắt buộc thành lập DN mới được vay vốn ngân hàng: “Theo quy định mới, thay vì vay theo tư cách “hộ” thì các đối tượng trên có thể vay vốn với tư cách cá nhân. Nếu ngân hàng thương mại tiếp tục ký hợp đồng cho vay “hộ” là trái luật, lúc đó hợp đồng sẽ vô hiệu”, vị này giải thích. Để hiểu và thực hiện đúng quy định, NHNN đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại để thông tin và giải thích về quy định trên.
Tuy nhiên, thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng khiến chi phí vốn cao lên, gây khó khăn cho các hộ cá thể kinh doanh. Về việc lãi suất cho vay khi khách hàng chuyển từ hộ kinh doanh, hộ tiểu thương sang cá nhân, lãnh đạo NHNN cho biết, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng giống như trước đây. Trao đổi với một số ngân hàng thương mại tại TPHCM về vấn đề này, các ngân hàng cũng đều cho biết đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng. Các ngân hàng cho rằng, sẽ thực hiện theo đúng quy định tại thông tư nhưng vẫn áp dụng các chính sách cho vay của ngân hàng đối với những đối tượng trên vì thực tế, hộ kinh doanh, hộ tiểu thương luôn là những khách hàng tiềm năng và đối tượng mà ngân hàng đang hướng đến. Tuy nhiên, trong hợp đồng vay vốn ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định, đó là từ ngày 15-3, hộ gia đình, hộ kinh doanh sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.
Đại diện Sacombank cho hay, lãi suất cho vay được ngân hàng căn cứ vào mục đích sử dụng vốn, cũng như mức độ rủi ro chứ không căn cứ theo cá nhân hay hộ gia đình. “Hộ kinh doanh lâu nay vẫn là đối tượng được ngân hàng quan tâm nên chắc chắn sẽ vẫn được tham gia các chương trình ưu đãi lãi suất của ngân hàng trong thời gian tới với tư cách cá nhân”, đại diện Sacombank khẳng định. Một vị lãnh đạo SHB tại TPHCM cũng cho biết, hiện ngân hàng vẫn giải ngân vốn cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Với quy định mới này, từ ngày 15-3, nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân. Vị này cho rằng, bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh cũng chỉ là thay đổi hình thức tên gọi, còn bản chất vẫn cơ bản như cũ. Vì thực tế khi cho vay, ngân hàng đều căn cứ vào từng trường hợp và mục đích sử dụng vốn để cho vay chứ không có chuyện ngân hàng sẽ hạn chế việc tiếp cận vốn của các chủ thể trên hay bỏ rơi hộ kinh doanh, tổ hợp tác.
Vi Quân