Hộ kinh doanh ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp

Chưa có thời điểm nào, vấn đề chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (DN) lại được lãnh đạo thành phố, các cơ quan truyền thông quan tâm nhiều như hiện nay. Đáng lưu ý là các hộ kinh doanh - chủ thể thực hiện việc chuyển đổi - lại dường như không quan tâm vì nhiều lý do.
Hộ kinh doanh ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp

Chưa có thời điểm nào, vấn đề chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (DN) lại được lãnh đạo thành phố, các cơ quan truyền thông quan tâm nhiều như hiện nay. Đáng lưu ý là các hộ kinh doanh - chủ thể thực hiện việc chuyển đổi - lại dường như không quan tâm vì nhiều lý do.

Tâm lý chung: ngại chuyển đổi

Liên tục trong 3 ngày (21, 22 và 23-2) đi thực tế tại các cửa hàng đến các chợ loại 1 để ghi nhận những phản hồi từ chủ trương hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, chúng tôi bất ngờ khi khá nhiều tiểu thương cho biết là đã nghe qua nhưng chưa được phổ biến cụ thể; cá biệt có người còn chưa nghe, chưa biết.

Chị Thanh Liễu, sạp số 950 (chợ Bến Thành), chuyên kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ, cho biết chị chưa nghe cũng không biết về việc này. Chị cũng không muốn chuyển đổi vì sức mua tại chợ ngày càng giảm sút, doanh thu tốt nhất chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/ngày, còn lại chỉ đạt mức vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/ngày, thì không thể tính đến chuyện khác được. “Nếu chủ trương này được khởi xướng khoảng 10 năm trước, sẽ có nhiều hộ trong chợ hưởng ứng. Bởi lẽ, trước đây, mỗi sạp hàng tại chợ Bến Thành không chỉ bán trực tiếp cho khách hàng mà còn là điểm giao dịch để xuất khẩu tại chỗ đến nhiều đối tác ở các nước nên cần có hệ thống sổ sách, hóa đơn để giao dịch. Khủng hoảng kinh tế, cộng với mức độ cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng dữ dội khiến các hộ kinh doanh tại các chợ bị co lại”, chị Thanh Liễu phân tích. Chị Ngọc, chủ sạp mỹ phẩm số 701 (chợ Bến Thành), cũng cho rằng sức mua ngày càng giảm trong khi mức thuế vẫn lũy tiến hàng năm khiến tiểu thương rất chật vật. Mong muốn của chị Ngọc là Nhà nước nên tìm các biện pháp hỗ trợ để kéo khách đến chợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu hơn là đưa ra chủ trương chuyển đổi.

Vẫn còn nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa quan tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp. (Ảnh chụp tại chợ An Đông). Ảnh: THÀNH TRÍ

Trao đổi với chúng tôi, anh S., chủ một cửa hàng phở, miến gà rất nổi tiếng (đề nghị giấu tên), lo ngại với thông tin các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành DN: “Việc kinh doanh của gia đình đang rất ổn định, chúng tôi cũng không có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng để mở rộng kinh doanh, vì vậy không muốn chuyển đổi. Nếu chuyển đổi lên DN, chúng tôi phải làm lại nhiều bước như tổ chức lại bộ máy hoạt động, thực hiện kê khai sổ sách, kế toán rất phức tạp và chi phí phải đội lên”. Chị Nhàn, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm Hà Nội (quận Bình Thạnh), cũng băn khoăn do hàng hóa bán từ nhiều nguồn khác nhau, giá trị thấp, nếu thành lập DN thì sẽ rất khó gom hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có hàng chục lý do khiến các hộ kinh doanh chưa muốn lên DN. Ngoài nguyên nhân chính là phải học cách quản lý bằng sổ sách, hóa đơn đầu vào, đầu ra, thì họ cũng e ngại bởi các thủ tục chuyển đổi rườm rà. Chẳng hạn, với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thuộc phạm vi quận, nếu chuyển đổi lên DN buộc phải chuyển đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện do sở, ngành cấp. Theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để thực hiện thủ tục chuyển đổi lên DN, nhưng cơ quan thuế không chấp thuận thủ tục này mà yêu cầu phải giải thể, ngưng kinh doanh mới được xác nhận…

Cần sự minh bạch

Để thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi, năm 2016 một số bộ, ngành chức năng cũng ban hành các văn bản mới. Cụ thể, Thông tư 92 của Bộ Tài chính quy định doanh thu tính thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, khi sử dụng hóa đơn, cá nhân kinh doanh phải đóng thêm thuế cho các hóa đơn mua thêm, ngoài khoản thuế đóng dựa trên doanh thu khoán. Như vậy, với mỗi hóa đơn xuất ra sẽ phải đóng thuế 1,5% giá trị doanh thu trên hóa đơn. Nhiều tiểu thương cho biết, họ chấp nhận đóng thêm thuế cho mỗi hóa đơn chứ không muốn “lên” DN.

Tại TPHCM, cuối năm 2016, ngành thuế đã đề xuất phương án gắn máy tính tiền để quản lý doanh thu đối với hộ kinh doanh, dự kiến thí điểm đối với 1.200 hộ kinh doanh tại quận 5 nhằm kiểm soát doanh thu tốt hơn và thu thuế hiệu quả hơn, không tốn nhiều nhân lực và từng bước hướng hộ kinh doanh lên DN. Đây là những hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên, hộ kinh doanh ăn uống có treo bảng hiệu; hộ chuyên kinh doanh đồ đá, trang sức, đồ mỹ nghệ, đông y; các hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn quyển... Đề án này đã được Tổng Cục thuế đồng ý về mặt chủ trương nhưng chưa triển khai do vướng pháp lý.

 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có 8 triệu hộ kinh doanh cá thể. Riêng TPHCM có 296.836 hộ kinh doanh, trong đó 1.182 hộ sử dụng trên 10 lao động. Nếu chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN, như vậy trước mắt TPHCM có 1.182 hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành DN.

Trên thực tế, tại nhiều quận, huyện, các hộ kinh doanh chịu lên DN là nhờ được tuyên truyền, vận động, không phải vì ràng buộc pháp lý nhưng con số này không đáng kể. Trong năm 2016, tại quận Bình Tân chỉ có 17 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; huyện Bình Chánh chỉ 11 hộ kinh doanh lên DN…

 

Mới đây, tại cuộc họp tổng kết ngành thuế TPHCM năm 2016, một số ý kiến cho rằng ngành thuế cần đặt ra điều kiện chỉ là DN mới được sử dụng hóa đơn. Nghĩa là hộ kinh doanh khoán thì không được sử dụng hóa đơn, muốn có hóa đơn thì phải lên DN. Đây sẽ là biện pháp pháp lý rõ ràng để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi hộ kinh doanh.

Chủ trương vận động hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn chuyển đổi thành DN đã được TPHCM bắt đầu triển khai từ năm 2016. Đây là một trong những giải pháp giúp TPHCM hiện thực hóa con số đạt 500.000 DN vào năm 2020, đồng thời giải quyết được các vấn đề về chống thất thu thuế. Với thực tế đang diễn ra, rất khó đẩy nhanh được tiến độ chuyển đổi, cho dù Nhà nước đã đưa hàng loạt các biện pháp kể trên. Vấn đề cốt lõi vẫn là niềm tin của người dân đối với các chính sách phải được thể hiện qua sự đồng hành, sự minh bạch cùng những cam kết mạnh mẽ về cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Chỉ như vậy các hộ cá thể mới yên tâm và mạnh dạn trong việc chuyển đổi thành DN. Nói như ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN cũng giống như chuyển đổi cả một tập tục kinh doanh lâu đời từ đơn giản sang bài bản và khoa học, là điều không dễ làm. Do vậy, cần thời gian, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự tự nguyện hợp tác từ chính các hộ kinh doanh vì một mục đích chung, mới có thể mang lại hiệu quả.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục