
Khi nghiên cứu về Hổ quyền, có người đã ví von rằng: Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ quyền. Nhưng thật buồn khi cái địa danh oai linh với những cuộc thư hùng long trời lở đất giữa voi và cọp thuở nào, cùng với quần thể di tích Long Châu Miếu đang trên đà đổ nát.
Vang bóng một thời

Lối dẫn voi và đường lên thành xem trận đấu.
Trong cuộc quyết đấu đầu tiên giữa voi và cọp (năm 1750) tại cồn Dã Viên trên sông Hương, 40 con voi đã giết chết 18 con cọp trước sự chứng kiến của chúa Nguyễn Phúc Khoát và triều thần ngồi xem trên 12 chiếc thuyền.
Sau này, để đảm bảo an toàn, năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng đã hạ chiếu cho xây dựng một đấu trường lớn gần đồi Long Thọ phía Tây kinh thành Huế lấy tên là “Hổ quyền”. Việc xây dựng đấu trường này mang nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, thường các cuộc đấu giữa voi và hổ trên bãi đất trống trông rất nguy hiểm, dù cho con hổ trước khi thi đấu đã bị cắt nanh, bẻ vuốt và buộc chặt vào cột nhưng tai nạn đôi khi vẫn xảy ra.
Trong cuốn hồi ký Souvenirs de Hue của một người Pháp có viết: “Dưới thời Gia Long, tôi có xem một trận đấu giữa voi và hổ. Con hổ quá dữ và đầy sức mạnh, nó đã bứt đứt dây cột, nhảy lên đầu voi tát ông nài rớt xuống, ông này liền bị voi giẫm chết tại chỗ. Con cọp dữ này còn làm nhiều binh sĩ bị thương và gây cho vua quan một phen khiếp đảm...”.
Qua thời Minh Mạng, năm 1829 nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh, triều đình tổ chức một trận đấu trên bờ Bắc Hương Giang. Nhà vua đậu thuyền rồng gần bờ ngồi xem. Bất ngờ con mãnh thú dứt đứt dây, nhảy xuống sông bơi về phía thuyền ngự. Chính tay Minh Mạng phải dùng sào đẩy lui con hổ. Cuối cùng, mấy người lính chèo thuyền ra, dùng giáo mác kết liễu con vật.
Nguyên nhân thứ hai, Hổ quyền được xây dựng vì đấu trường này ở cách Long Châu Miếu chỉ khoảng 200m. Đây là điện thờ nơi cúng tế các con voi trận bị chết trong các cuộc chiến tranh. Dân gian thường gọi nơi này là Điện Voi ré. Hổ quyền xây dựng để biểu thị sức mạnh vô địch của loài voi, và đó cũng là biểu trưng sức mạnh vương quyền.
Nhà cầm quyền phong kiến coi loài voi thể hiện cho cái “thiện” còn hổ biểu hiện cho cái “ác” vì hổ thường bắt người và gia súc, sức mạnh của nó làm cho người ta kinh sợ. Và lẽ đương nhiên, cái “thiện” bao giờ cũng chiến thắng cái “ác”. Vì vậy trong các cuộc đấu, hổ luôn bị dồn vào thế yếu, bị tước bỏ các vũ khí lợi hại như nanh vuốt và bị voi xé nát.
Với vật liệu xây dựng khá giản đơn, chỉ bao gồm gạch vồ, đá thanh, vôi vữa nhưng trải gần 200 năm, di tích Hổ quyền vẫn khá toàn vẹn. Được thiết kế theo kiến trúc hình vành khăn, vòng tường bên trong cao 5,9m, vòng tường ngoài cao 4,75m, bề dày đỉnh tường ngoài 35cm và đỉnh tường trong 47cm.

Một trong năm cửa chuồng cọp trổ bên hông Hổ Quyền. Ảnh: Phùng Hưng.
Giữa 2 vòng tường được đổ dày đất nén chặt thành một lối đi rộng 4m chạy xung quanh đấu trường để khán giả có thể coi được những pha chiến đấu gay cấn giữa voi và cọp. Ở bên dưới thành Hổ quyền được trổ 5 chuồng cọp và một cửa lớn cao 4m, rộng 1,9m làm lối cho voi vào.
Thật đáng tiếc là chưa có sử liệu nào ghi chép cụ thể có bao nhiêu trận đấu giữa voi và cọp đã diễn ra ở đây. Theo một số truyền thuyết dân gian thì nơi này cũng đã từng diễn ra các cuộc đấu của các mãnh tướng chống lại triều đình với những con cọp dữ.
Tương truyền rằng, năm 1904 dưới thời Thành Thái, nhà vua cho tổ chức một trận đấu. Hôm đó, một con voi cái hiên ngang đi vào trường đấu, con voi cất tiếng rống to.
Nhìn thần thái con vật, nhà vua buông lời: “Con voi này can đảm lắm”. Trong trận đấu, con cọp lớn dữ tợn nhảy lên tát mạnh vào đầu voi, con vật lắc mạnh nhưng con hổ vẫn cố sức bám chặt hòng cắn xé giết chết địch thủ. Trong cơn giận dữ, con chiến tượng đã dùng cả uy mãnh ngàn cân của mình húc thẳng đầu vào thành Hổ quyền, ép mạnh con cọp vào đó. Lúc voi ngẩng đầu lên, con dã thú rơi phịch xuống đất. Nó đã bị chà nát.
Đó là trận đấu cuối cùng của dã thú diễn ra tại Hổ quyền.
Dưới bóng tịch dương
Cụ bà Nguyễn Thị Huê, 76 tuổi, là người đã sống trọn cuộc đời ở vùng đất này. Lúc còn nhỏ, bà đã từng gánh chuối qua điện Long Châu Miếu mỗi lần có lễ trọng. Theo như lời của bà Huê, dòng họ của bà đã 4 đời lo coi sóc Long Châu Miếu.
Ông Nguyễn Hữu Kiệt, cha của bà Huê là người cuối cùng lo việc cúng tế ở đây. Kể chuyện cho tôi nghe về những con voi chiến, bà vẫn nhớ rất rõ như chuyện mới hôm qua.
“Trước năm 1945, Hổ quyền vẫn là nơi nuôi voi cho triều đình nhà Nguyễn. Vì nhà ở gần nên tôi thường xuyên qua Hổ quyền bẻ mía cho voi ăn. Mấy “ông” rất thích. Nhà nào đẻ con ra nhằm trúng giờ “quan sát”, chân tay teo nhỏ, chỉ biện khay cau trầu và mía nhờ “ông” giúp là khỏi liền. Con trai “ông” lấy vòi đưa lên, đưa xuống 7 cái còn con gái “ông” đưa lên đưa xuống 9 cái.
Mấy đứa bé sợ hãi khóc ré, “ông” đưa cái vòi như bàn tay mềm xoa xoa vào mặt là hết khóc liền...” rồi bà cụ chỉ cho tôi thấy cái mả voi to đùng chôn ngay sau chân Hổ quyền chìm lấp trong cỏ cây hoang phế: “Cái mả đó là của “ông” voi chết khi đánh nhau trong Hổ quyền này, có nhiều đêm tôi nghe thấy trong giấc mơ, mấy ông gầm thét nghe ghê lắm.
Sau Cách mạng Tháng 8, chẳng biết mấy “ông” voi bị đưa đi đâu không rõ. Sau này, các ông nài voi (quản tượng) là ông Cửu Bé, ông Quyền cũng chết. Câu chuyện về các “ông” voi cũng lắng dần...”. Các vị cao niên khác cho biết, mỗi viên gạch của Hổ quyền rất linh thiêng.
Nghe đồn trước đây có nhiều người đem gạch ở đây về xây nhà, chẳng hiểu vì lý do gì có người làm ăn lụn bại, người bị tai nạn chết, từ đó chẳng còn ai dám lấy gạch ở Hổ quyền về làm nhà nữa.
Những truyền thuyết, dã sử xoay quanh Hổ quyền còn rất nhiều nhưng thực tế chỉ có một. Đó là di tích văn hóa quý giá này đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Lớp phong mờ của thời gian và sự tàn phá của con người đã và đang làm cho nơi đây hoang tàn nhanh chóng.
Trước đây, bên cạnh Hổ quyền, phía trước mặt Long Châu Miếu có hồ sen rất rộng, đó là nguồn nước ăn của cả vùng Long Thọ. Ngoài ra, lợi tức bán hạt sen của cái hồ này cộng với tiền cúng tế do triều đình cấp cũng đủ để dùng vào việc lễ tế voi diễn ra khá lớn hàng năm ở đây.
Sau này, cùng với sự thờ ơ của người đời, mặt nước linh thiêng biến thành hồ nuôi cá, hương sen thơm ngát bị lấn át bởi vô vàn mùi xú uế của rác thải sinh hoạt khiến cho mạch nước hồ ô nhiễm và cạn dần. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, rất nhiều nhà dân đã lấn chiếm xây trùm lên đất đai di tích, muốn vào thăm chốn này, du khách phải chui qua cái kiệt 373 nhỏ bé nằm khuất lấp trên đường Bùi Thị Xuân.
Khi nghiên cứu về Hổ quyền, có người đã ví von rằng: Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ quyền. Nhưng thật đau buồn khi cái địa danh oai linh với những cuộc thư hùng long trời lở đất giữa voi và cọp thuở nào, cùng với quần thể di tích Long Châu Miếu đang trên đà đổ nát.
Chẳng bao lâu nữa nơi này sẽ bị san phẳng nếu không có ngay sự quan tâm của ngành chức năng. Lúc chia tay tôi, bà cụ Huê tâm sự: “Dạo này tôi nghe trong người mỏi lắm, mỗi lúc mê, tôi thường thấy từng đàn voi chạy sầm sập, trong tiếng oai linh gầm thét, tôi nghe chừng như có tiếng thở than...”.
PHÙNG HƯNG