Hồ tiêu - Đến giai đoạn giá thấp?

Chu kỳ giá cao gần 10 năm
Hồ tiêu - Đến giai đoạn giá thấp?

Giá hồ tiêu trong nước cuối tuần qua còn khoảng 125.000 - 127.000 đồng/kg. Trước đó, vào tháng 3, giá hồ tiêu trong nước cũng đã từng xuống 130.000 đồng/kg rồi đến tháng 5 lên khoảng 180.000 đồng/kg. Nhưng từ tháng 8 đến nay, giá có xu hướng giảm dần. Theo nhận định, ở lần giảm này, khả năng phục hồi không cao.

Nông dân trồng hồ tiêu trên Tây Nguyên

Chu kỳ giá cao gần 10 năm

Với diễn biến hiện nay, không loại trừ khả năng giá sẽ còn giảm tiếp và cũng có thể xuống ngưỡng 100.000 đồng/kg. Vẫn còn có lời, chỉ là ít đi mà thôi. Nếu vậy có thể nói, mặt hàng hồ tiêu trở về chu kỳ giá thấp sau thời gian khá dài “không chịu xuống”. Giá lên và giá xuống trong các mặt hàng nông sản là điều bình thường, vì đó là quy luật cung cầu trên thị trường. Nhìn vào biểu đồ giá hồ tiêu từ năm 1981 đến nay có 3 giai đoạn giá. Trước năm 1984 là giá thấp, sau đó phục hồi và tăng cao nhất ở các năm 1986, 1987, 1988, với giá hồ tiêu đen khoảng 5.000USD/tấn (tiêu trắng 6.200USD/tấn). Sau đó, giá hồ tiêu trở về chu kỳ giảm và thấp nhất vào các năm 1992, 1993, khi chỉ còn khoảng 924USD/tấn (tiêu trắng khoảng 1.380USD/tấn). Từ khoảng năm 1995, giá hồ tiêu bắt đầu hồi phục và đạt đỉnh vào năm 2000 với giá 5.300USD/tấn (tiêu trắng 8.800USD/tấn); từ năm 2001 - 2006, giá hồ tiêu lại quay đầu giảm xuống. Đến năm 2007 bắt đầu đi vào chu kỳ giá cao, giá tăng dần và chinh phục đỉnh cao mới vào các năm 2011, 2013 và nhất là các năm 2014, 2015 với giá trên 7.800USD/tấn (tiêu trắng 11.200USD/tấn). Năm 2016, dù giảm nhưng giá hồ tiêu vẫn ở mức cao. Như vậy, chu kỳ giá cao của hồ tiêu lần này kéo dài gần 10 năm, kéo dài nhất so với những lần trước, là vấn đề thú vị thu hút nhiều chuyên gia kinh tế nghiên cứu và lý giải. Năm nay - 2016, giá hồ tiêu đầu năm giảm rồi phục hồi vào giữa năm, sau đó lại đi xuống, song vẫn ở chu kỳ giá cao. Nhưng những tháng cuối năm, có vẻ như hồ tiêu chuyển vào giai đoạn giá thấp, khi có không ít nhận định cho rằng cung vượt cầu. Tuy nhiên, với giá thấp này, người trồng tiêu vẫn còn có lời.

Việc giá hồ tiêu duy trì ở mức cao thời gian khá dài là điều cần được đánh giá nhiều mặt, nhưng trong đó không thể không nói tới vai trò của người trồng hồ tiêu ngày càng trở nên quan trọng và có tính quyết định trong việc điều tiết hàng hóa trên thị trường. Theo phát biểu của bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tại diễn đàn khuyến nông @ về hồ tiêu ở Bình Phước cuối tháng 10 vừa qua, so với các cây công nghiệp khác, diện tích hồ tiêu chiếm khoảng 5% trong tổng số gần 2 triệu hécta của 5 loại cây công nghiệp chủ lực, nhưng lại chiếm trên 10% giá trị xuất khẩu và là cây trồng có giá trị cao nhất trong các cây công nghiệp xuất khẩu. Lợi nhuận của hồ tiêu quá cao, chưa có cây công nghiệp nào vượt qua như cà phê, cao su, nhân điều, ca cao, mía, kể cả cây công nghiệp ngắn ngày như khoai mì (sắn)… Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí số một trong xuất khẩu hồ tiêu (cả đen và trắng) trên thị trường thế giới, khi chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu. Phải chăng nhờ đạt lợi nhuận cao trong thời gian khá dài, người trồng hồ tiêu hầu hết đều có tích lũy khá, nên ít bị bức bách phải bán ra khi thu hoạch như nhiều mặt hàng nông sản khác. Nhờ vậy, nhiều năm qua, người nông dân trồng hồ tiêu chủ động điều tiết lượng hàng bán ra, thị trường nhờ đó bớt bị lũng đoạn bởi những tập đoàn hùng mạnh của các nước. Đồng thời, cùng với doanh nghiệp góp phần điều tiết phần nào và giữ giá hồ tiêu luôn duy trì ở mức cao. Câu chuyện ồ ạt bán ra khi giá thấp của người nông dân trồng các mặt hàng nông sản khác đã phai nhạt dần trong tâm trí của người trồng hồ tiêu. Sau mỗi năm qua đi, người trồng hồ tiêu càng am hiểu và có nhiều kiến thức hơn trong việc điều tiết lượng bán ra, có kinh nghiệm tốt hơn về cung cầu trên thị trường, nên nhiều nông dân đã sử dụng mặt hàng hồ tiêu như một loại tiền tệ, lưu trữ và chỉ đưa ra thị trường khi có giá tốt.

Thử thách thực sự?

Mặt trái của chu kỳ giá cao kéo dài là việc mở rộng diện tích hồ tiêu và gia tăng sản lượng thu hoạch nhanh ở các nước như Indonesia, Brasil, đặc biệt là Việt Nam. Dù Chính phủ quy hoạch đến năm 2020 vùng nguyên liệu là 50.000ha, nhưng hiện nay đã ở mức ngấp nghé 120.000ha - như nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Giám đốc Điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), ông Gunaratne, đã từng phát biểu, gần 10 năm qua ngành hồ tiêu thế giới liên tục phát triển, giá từ 1,6USD/kg lên 7,8USD/kg, đời sống người trồng hồ tiêu thế giới được cải thiện, nhưng kèm theo đó là sản lượng hồ tiêu thế giới từ 128.000 tấn lên mức 400.000 tấn/năm. Nguồn cung ngày càng dồi dào nên khó có thể giữ giá cao như trước.

Theo VPA, hiện nay là cung vượt cầu, tồn kho hồ tiêu trong dân còn, nhu cầu tiêu dùng thế giới gần bão hòa. Giá vào vụ của Brazil và Indonesia với lượng khá tốt nên rẻ hơn hồ tiêu Việt Nam, hai thị trường này cung ứng khoảng 70.000 tấn. Đây chính là giai đoạn thử thách thực sự về tâm lý và khả năng, cũng như niềm tin của người trồng hồ tiêu sau nhiều năm có ít nhiều kinh nghiệm trong việc giúp giữ và duy trì giá ở mức cao. Việc giá hồ tiêu có thể đi vào chu kỳ giá thấp là điều không thể tránh khỏi, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi, như ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, nhận định trước đó. Với việc chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu, giá thành thấp hơn các nước nên khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam cao hơn, cộng với việc thu hoạch lệch thời gian so với Indonesia và Brazil cũng là điểm thuận lợi, nếu người trồng hồ tiêu vẫn bình tĩnh điều tiết lượng bán ra, biết khai thác lợi thế cạnh tranh và thời điểm thu hoạch, dù giá sẽ còn giảm, nhưng là giảm dần, không ồ ạt hay đột ngột. Đạt được điều này thì có thể coi như thành công, khi vượt qua thách thức trong bối cảnh giá hiện nay. Điều quan ngại hiện nay là khi hiện tượng cung vượt cầu, nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ chú trọng đến chất lượng, đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đây lại là điểm yếu của hồ tiêu Việt Nam, nhất là khi giá hồ tiêu thế giới suy giảm. Vì vậy, VPA khuyến cáo người dân dừng ngay việc đầu tư trồng mới diện tích hồ tiêu và cần tiến tới việc trồng hồ tiêu bền vững, nên trồng xen với cây cà phê, cây ăn trái, nhằm giảm rủi ro.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, đến tháng 10, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 159.000 tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD. Với tiến độ này cuối năm nay lên đến khoảng 169.000 tấn, là con số xuất khẩu cao nhất của ngành hàng này từ trước đến nay.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục