Hồ tiêu lãi to nhờ giữ giá thị trường

Hàng ngàn hộ tỷ phú
Hồ tiêu lãi to nhờ giữ giá thị trường

Trong khi hầu hết các mặt hàng như gạo, cao su, cà phê, nhân điều, tôm, cá đều giảm giá; riêng chỉ có hồ tiêu tiếp tục đứng ở giá cao, có triển vọng đạt khoảng 900 triệu USD về giá trị xuất khẩu cuối năm nay so với 693 triệu USD năm 2011.

Trồng hồ tiêu đem lại thu nhập cao. Ảnh: Cao Thăng

Trồng hồ tiêu đem lại thu nhập cao. Ảnh: Cao Thăng

Hàng ngàn hộ tỷ phú

Ít có mặt hàng nông sản nào mà sản xuất và xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước trong 10 năm liên tục nhờ giá cả khá ổn định, dù có lúc xuống thấp nhưng chưa khi nào giá hồ tiêu Việt Nam bán thấp hơn giá thành. Giá hồ tiêu cập nhật ngày 6-5 từ 119.000 đến 124.000 đồng/kg, tùy địa phương nhưng tập trung vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy giá có phần sụt giảm nhưng so với cùng kỳ năm 2011, giá hồ tiêu vẫn cao hơn trên dưới 20%. Với năng suất bình quân 5 - 7 tấn/ha, có nơi 7 - 9 tấn/ha, thậm chí 10 tấn/ha. Có thể nói, đây là mặt hàng nông sản có giá hấp dẫn nhất thời điểm hiện nay. Trong số 2 triệu hécta cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, trà…) diện tích hồ tiêu chỉ khoảng 50.000 ha, chiếm 2,5% diện tích nhưng hồ tiêu lại chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu. Hiện giá trị xuất khẩu của hồ tiêu khoảng 6.800 USD/ha, gấp 6 lần so với cây trà, 4 lần so với cao su, 3,8 lần so với hạt điều, 2,6 lần so với cà phê. Được biết, năng suất hồ tiêu bình quân các nước sản xuất, xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Indonesia chỉ khoảng 0,2 – 0,3 tấn/ha hay Malaysia, Brazil là 1 – 2 tấn/ha. Hiện nay có hàng ngàn hộ nông dân trên cả nước có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, như 64 hộ nông dân trồng tiêu tại Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), đặc biệt là vùng hồ tiêu huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, hàng ngàn hộ là tỷ phú.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá bình quân tiêu đen những tháng đầu năm 2012 trên 6.300 USD/tấn (tăng hơn 1.600 USD/tấn), tiêu trắng 9.200 USD/tấn (tăng hơn 2.100 USD/tấn). Có thể nói, 5 tháng đầu năm 2012 giá hồ tiêu trong nước đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay, bình quân tiêu đen trên 120.000 đồng/kg, tăng 33%; tiêu trắng 190.000 đồng/kg, tăng 46% so cùng kỳ 2011. Đến giữa tháng 5, lượng hồ tiêu xuất gần 52.500 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 357,4 triệu USD, tăng 11,4% về khối lượng và tăng 46,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Lượng xuất khẩu hồ tiêu năm 2012 dự báo khoảng 123.000 tấn với giá trị kim ngạch gần 900 triệu USD.

Chi phối thị trường thế giới

Với lượng hồ tiêu giao dịch như trên là điều kiện chi phối giá cả giao dịch trên thị trường thế giới. Nhưng để làm được điều này, bản thân doanh nghiệp hay VPA không thể thực hiện nếu không có sự phối hợp và tiếp sức bà con nông dân trồng hồ tiêu cả nước. Khoảng năm 2006, thời điểm giá hồ tiêu xuất khẩu xuống thấp nhất, còn 900 USD/tấn, trong khi giá thành lên tới 1.000 USD/tấn, VPA đã khuyến cáo bà con trữ lại, không bán nếu dưới 1.200 USD/tấn. Nhờ sự đồng lòng này, giá hồ tiêu thế giới sau đó có sự đảo chiều ngoạn mục, tăng lên 1.700 USD - 1.800 USD/tấn. Năm 2007, VFA lại khuyến cáo không nên bán dưới 2.500 USD/tấn đã được rất nhiều hộ làm theo và sau đó bán được giá bình quân 3.200 USD/tấn. Với 2 lần khuyến cáo và giữ giá thành công này, bà con trồng hồ tiêu đã có kinh nghiệm, không vội bán ra ồ ạt khi giá xuống mà giữ lại trong kho. Giá hồ tiêu sau đó lên 3.500 USD/tấn rồi 3.800 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam đánh giá, nhờ cách làm đó mà nhiều năm nay, giá hồ tiêu thế giới không còn lên xuống theo chu kỳ như trước đây và luôn ở mức cao. Hiện nay, hồ tiêu của Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp đến hầu hết các thị trường, hạn chế tiêu thụ qua các đơn vị trung gian nên đã giảm thiểu được các rủi ro, thiệt hại, bám sát mặt bằng giá thế giới ở mọi thời điểm. Nhờ đó thu nhập của người sản xuất, kinh doanh đều có lời. Bài học của hồ tiêu đã được hiệp hội và các doanh nghiệp ngành hàng cà phê (Robusta) và điều nhân (với lượng giao dịch chiếm 50% - 60% thị phần) tìm hiểu để áp dụng. Điều này có sự thành công bước đầu với mặt hàng cà phê trong niên vụ này.

Hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Á, Trung Đông… Từ năm 2003 đến nay Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới, chiếm 40% - 50% lượng hồ tiêu giao dịch toàn cầu.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục