Hồ tiêu - thay đổi để giữ vị thế

Có tránh “vết xe đổ”?
Hồ tiêu - thay đổi để giữ vị thế

Những năm qua, trong khi hầu hết mặt hàng nông sản xuất khẩu đều giảm giá, thì hồ tiêu vẫn vững vàng đứng ở mức cao. Năm 2013, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các doanh nghiệp xuất khẩu 135.000 tấn, đạt giá trị 900 triệu USD, tăng cả về lượng, giá và kim ngạch. Hiện nay, giá hồ tiêu trong nước khoảng 170.000 đồng/kg. Hồ tiêu Việt Nam cùng với cà phê Robusta và nhân điều có lượng giao dịch lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% và là ngành hàng duy nhất có thể chi phối được phần nào giá khi có sự tham gia dự trữ và điều tiết từ người dân, không bán ra ồ ạt khi giá giảm.

Anh Hoàng Việt Hưng ở xã Ea Po, huyện Cư Jut bên vườn tiêu đã được phục hồi, hứa hẹn bội thu.

Anh Hoàng Việt Hưng ở xã Ea Po, huyện Cư Jut bên vườn tiêu đã được phục hồi, hứa hẹn bội thu.

Có tránh “vết xe đổ”?

Năng suất hồ tiêu Việt Nam cao gấp 2,9 lần so với Indonesia, gấp 8,2 lần so với Ấn Độ nên có tính cạnh tranh nhờ giá thành thấp và chất lượng không thua kém các nước xuất khẩu khác về mùi vị, màu sắc, hàm lượng dầu. Việt Nam trở thành nước sản xuất hồ tiêu hàng đầu, chiếm 35% sản lượng và gần 50% thị phần thế giới.

Năm 2013, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu đạt giá trị 900 triệu USD với khoảng 135.000 tấn, đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ, Đức, Nhật, Hà Lan... 3 năm gần đây có thêm 6.000ha trồng mới, đưa diện tích hồ tiêu ngấp nghé 60.000ha. Nhưng cái giá cho sự phát triển ồ ạt này không nhỏ, luôn tiềm ẩn nguy cơ do hồ tiêu được trồng chuyên canh với mật độ dày, 1.500 - 2.500 trụ/ha, theo hướng thâm canh nên rất nhạy cảm với sâu bệnh.

Do quá lạm dụng phân bón hóa học, hệ lụy là vi sinh vật có ích trong đất và các loại thiên địch hầu như bị tiêu diệt, làm phát sinh dịch bệnh tràn lan như bệnh rệp sáp… Nguy hiểm nhất là bệnh “chết nhanh”, “chết chậm”, “tiêu điên”. Càng bị dịch bệnh, càng phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn nên môi trường đất bị ảnh hưởng nặng, khiến nhiều vườn tiêu bị suy kiệt, tuổi thọ cây giảm hẳn, thậm chí nhiều vườn tiêu bị chết hoàn toàn.

Đó là chưa nói đến tồn dư hóa chất trong sản phẩm khó tránh khỏi, trong khi những thị trường chính hồ tiêu Việt Nam ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng, sản phẩm phải đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, không được tồn dư hóa chất và vi sinh vật gây hại.

Những quốc gia từng là số 1 thế giới về xuất khẩu hồ tiêu như Indonesia, Ấn Độ cũng vì lạm dụng phân bón hóa học nên sau thời gian phát triển ồ ạt đã phải trả giá cho sự thiếu bền vững này. Đây là bài học mà Việt Nam cần quan tâm để tránh đi vào “vết xe đổ”.

Khẳng định vai trò phân hữu cơ 

Khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (KHKTNNMN) cho thấy, người dân trồng hồ tiêu ở những vùng trồng tập trung từ Tây Nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung sử dụng phân bón vô cơ cao hơn khuyến cáo, lại không cân đối, và điều quan trọng mà người dân trồng hồ tiêu chưa chú ý, đó là ít sử dụng phân hữu cơ. Những điều này cùng với các biện pháp kỹ thuật canh tác chưa đúng, tạo điều kiện sâu bệnh xảy ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng rất lớn đến các vùng trồng tiêu.

Viện KHKTNNMN cũng ghi nhận, nơi nào sử dụng nhiều phân hữu cơ (bao gồm phân xanh và thân lá thực vật) thì ít xuất hiện sâu bệnh hơn. Ngoài việc giúp giảm thiểu sâu bệnh, phân hữu cơ còn có vai trò quan trọng trong việc làm tăng độ phì trong đất và giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân vô cơ. Việc chú trọng sử dụng phân hữu cơ trong thâm canh hồ tiêu là phương thức hiệu quả, bền vững, nhưng nguồn phân hữu cơ sử dụng phải đảm bảo chất lượng để không đưa độc tố vào đất trồng.

Theo TS Đỗ Trung Bình, để năng suất duy trì ở mức độ cao phù hợp, vườn tiêu khỏe cần phải bón đầy đủ và cân đối giữa phân hữu cơ và vô cơ. Việc áp dụng GAP vào sản xuất hồ tiêu hướng tới sự bền vững là đòi hỏi cấp bách. Những mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP ở Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng tiêu đen xuất khẩu, không sâu mọt, nấm mốc và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều dưới ngưỡng quy định cần được nhân rộng. Có thể nói, đó là hướng đi tất yếu nếu muốn duy trì ngôi vị số 1.

GS-TS Nguyễn Thơ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, cho biết, canh tác cây tiêu theo hướng hữu cơ là tất yếu vì đó là con đường bền vững. Vấn đề là làm sao nông dân chọn được sản phẩm thật sự chất lượng. Theo ông, trong quá trình khảo sát thực tế nhiều tỉnh Tây Nguyên trên những vườn tiêu suy kiệt sau thời gian lạm dụng phân hóa học, có dấu hiệu bị bệnh chết chậm mà cán bộ khuyến nông khuyến cáo chặt bỏ, việc sử dụng phân hữu cơ sinh học Vinaxanh đã giúp phục hồi tốt về năng suất, tăng tính chống chịu, giảm 40% lượng phân hóa học. Đây là sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất từ nguyên liệu ngay trong nước với sự hợp tác giữa Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam), các cộng sự Công ty Nông Nghiệp Xanh Việt Nam và các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam, phù hợp với sự phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững, hữu cơ, GAP.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục