Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TPHCM kinh nghiệm từ thực tiễn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Để hỗ trợ các DNNVV phát triển, vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế, TPHCM đã triển khai, thực hiện như thế nào?
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TPHCM kinh nghiệm từ thực tiễn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Để hỗ trợ các DNNVV phát triển, vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế, TPHCM đã triển khai, thực hiện như thế nào?

Chú trọng cải cách thủ tục hành chính

Hàng năm, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index - viết tắt là PCI) đối với 63 tỉnh, TP trong cả nước. Họ khảo sát ý kiến của nhiều DN để nghiên cứu đánh giá theo nhiều tiêu chí đo lường, phản ánh công tác quản lý và điều hành kinh tế của các địa phương có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Quan điểm của lãnh đạo TPHCM là luôn coi trọng các phân tích, đánh giá khách quan nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xem đó là xu hướng phát triển để giữ được tính chủ động trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội. Ngay từ năm 2013, UBND TP đã ban hành Chương trình triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2015. Trong đó, các cơ quan chuyên môn đã phân tích từng nội dung tiêu chí đánh giá, tìm nguyên nhân dẫn đến thành tích hoặc yếu kém để chọn lựa giải pháp đúng. Những điểm mạnh của TPHCM gồm: Đào tạo lao động, các dịch vụ hỗ trợ DN, tính minh bạch trong các thủ tục liên quan đến DN… Những mặt còn yếu kém là môi trường về cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức là những nội dung có nhiều vấn đề cản trở hoạt động của DN.

Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất      Ảnh: CAO THĂNG

Để khắc phục những mặt yếu kém, trước hết cần phải có sự thông suốt tư tưởng, nhận thức của những người đang thực thi cũng như tạo ra môi trường về “thiết chế pháp lý tại địa phương”. Về bước đi, TP cũng xác định mục tiêu cho từng năm để có cơ sở bền vững. Trước tiên là cải thiện các tiêu chí “mềm” như: tính năng động và tiên phong của các cấp lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ DN; cải cách hành chính có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm; giảm chi phí thời gian, điều kiện gia nhập thị trường; thực hiện minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục và tăng cường năng lực cho các dịch vụ hỗ trợ DN. Tiếp theo là tạo sự chuyển biến ở các tiêu chí về chi phí không chính thức của DN, tiếp cận đất đai và sử dụng ổn định mặt bằng sản xuất kinh doanh đối với các DN.

Tất cả các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính được công khai minh bạch thông tin cho mọi thành phần kinh tế và người dân về quy hoạch, kế hoạch của TP, các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương; mọi người dân, DN đều được tiếp cận một cách công bằng, dễ dàng bằng nhiều hình thức như trên website, niêm yết tại trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình thủ tục, thành phần hồ sơ, các loại biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện mẫu thủ tục hành chính, quy định thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí theo quy định để mọi người dân dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ kiểm soát. Nhiều cơ quan triển khai cơ chế một cửa, liên thông các cơ quan thành một đầu mối tiếp nhận và trả kết quả. Hầu hết các cơ quan đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính và minh bạch hóa các thông tin về  thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN.

Lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN

Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, các cấp, các ngành thường xuyên giữ các mối liên lạc với DN và các hội ngành, nghề. Duy trì thường xuyên đối thoại giữa chính quyền với DN theo từng chuyên đề và kết nối DN nhằm giải đáp thắc mắc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể của DN và lắng nghe các ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật. Đây là một trong những nội dung then chốt trong quá trình hỗ trợ DN theo sát với thực tế.

Để triển khai, hàng loạt các chương trình đã được các sở, ngành chức năng thực hiện quyết liệt trong thời gian qua. Điển hình như chương trình kết nối DN-NH đã giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn cho DN đang bị thiếu vốn kinh doanh. Năm 2014 dự kiến thực hiện 20.000 tỷ đồng nhưng kết quả đã đạt vượt mức lên tới trên 40.057 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2015 sẽ thực hiện gói hỗ trợ DN là 60.000 tỷ đồng. Khả năng TP sẽ thực hiện vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Chương trình “Kết nối giữa DN phân phối với DN sản xuất” nhằm giúp DN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. TP cũng chỉ đạo thiết lập nhiều cổng thông tin, trang thông tin điện tử của các sở, ngành cung cấp thông tin về DN, tạo điều kiện cho mọi đối tượng  tìm kiếm, lựa chọn đối tác kinh doanh. Ngoài ra, TP còn thực hiện chương trình kích cầu thông qua các dự án đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết của TP.

Chương trình đào tạo nguồn nhân lực khuyến khích các tổ chức tham gia việc đào tạo cho DN các kỹ năng về khởi sự DN, quản trị kinh doanh và nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động. TP cũng phân công các cơ quan theo chức trách của mình cung cấp thông tin pháp lý cho DN, hướng tới sự phát triển sản xuất kinh doanh theo đúng luật pháp. Hiện TP cũng đang thực hiện thí điểm chương trình “Ươm tạo DN” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bằng cách nhà nước hỗ trợ một số điều kiện về cơ sở vật chất ban đầu giúp DN khởi sự thuận lợi để phát triển. Đặc biệt, nhiều năm qua, TPHCM triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu với số lượng, chất lượng, giá cả ổn định phục vụ người tiêu dùng.

Việc triển khai đồng loạt hầu hết các chương trình đều phát huy hiệu quả và tác dụng tốt đã tác động đến môi trường kinh doanh thu hút được đầu tư và giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội ở TP. Thực tế cũng cho thấy, môi trường kinh doanh đó là thiết chế pháp lý và sự hỗ trợ của nhà nước chính là động lực để tạo điều kiện để các DNNVV phát triển.

NGUYỄN MẠNH TUỆ
(Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM)

Tin cùng chuyên mục