LTS: Với mục đích khơi dậy nguồn sức mạnh của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền vùng biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc để vươn ra biển lớn; khai thác và phát huy tiềm năng từ kinh tế, văn hóa biển đảo; tôn vinh những người đang góp phần xây dựng và phát triển biển đảo, từ hôm nay 17-5, Báo SGGP mở chuyên trang Biển đảo quê hương trên trang 6, số ra ngày thứ ba hàng tuần. Kính mời quý bạn đọc gần xa tham gia viết tin, bài cho trang, gửi về địa chỉ Báo SGGP, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM, điện thoại: (08)39.294.092. |
Nhiều năm qua, biển Đông - ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung trở nên mất an toàn khi tàu đánh cá bị cướp phá, đâm chìm trên biển; cũng như phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết. Thế nhưng, ngư dân các tỉnh miền Trung vẫn vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
Cứu ngư dân từ... bờ
Liên tục từ cuối tháng 4, đầu tháng 5-2016, hiện tượng cá chết ven bờ biển các tỉnh miền Trung và sau đó là tin đồn thất thiệt “cá biển nhiễm độc” đã đẩy ngư dân các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... vào cuộc khủng hoảng. Hàng ngàn tàu công suất lớn của các tỉnh thành nói trên đánh bắt tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa khi về cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - nơi có một trong những vựa cá lớn nhất miền Trung - bị người dân tẩy chay. Chợ cá vắng bóng người mua, hàng trăm nhà hàng kinh doanh hải sản dọc ven biển Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hiu quạnh, tàu thuyền nằm bờ không dám ra khơi...
Ngay lập tức, UBND TP Đà Nẵng đã triển khai hàng loạt các biện pháp hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực. Đầu tiên, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở TN-MT phối hợp với các cấp, ngành liên quan nhanh chóng xét nghiệm và công bố chất lượng nước biển và mẫu hải sản. Tiếp đến, là động thái của các cấp lãnh đạo khi xuống cảng động viên tiểu thương, chủ tàu và ngư dân; xuống tận biển ăn hải sản, tắm biển. UBND TP Đà Nẵng còn thành lập 50 điểm bán cá bảo chứng kèm theo kết quả xét nghiệm mẫu cá... để người dân cả nước yên tâm ăn cá trở lại.
Chị Lê Thị Hương Thủy, người dân phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), một trong những người tiên phong ăn cá trở lại, cho biết: “May mà chính quyền Đà Nẵng đã phần nào giải tỏa được tâm lý lo ngại của người dân. Tôi thấy mừng vì ngư dân bán được cá và mừng cho mình có cá sạch để ăn”.
Ngư dân miền Trung bao đời nay luôn vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển đảo
Hỗ trợ ngư dân vươn khơi
Trước những khó khăn ngư dân đang gặp phải trong khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, ngày 13-5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp khẩn với sự có mặt của các cấp các ngành liên quan và ngư dân trên địa bàn tỉnh để đưa ra nhiều chính sách giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản và giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ông Nguyễn Xuân Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thăng Bình đề nghị cập nhật tất cả tàu cá đánh bắt xa bờ, kiểm tra xem chủ phương tiện nào chưa kịp đóng phí bảo hiểm thì đề nghị gia đình chủ tàu đóng phí chứ nhiều lúc ngư dân đi trên biển cả tháng trời mà không biết rằng bảo hiểm đến ngày phải gia hạn.
Theo Sở NN-PTNT, đến thời điểm này, mới chỉ có 50% tàu cá sản xuất xa bờ được bảo hiểm. Trong khi đó, theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) thì ngư dân được hỗ trợ 70% chi phí mua bảo hiểm cho tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV; 90% cho tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Vì vậy, UBND tỉnh xem xét hỗ trợ phần còn lại để tất cả chủ tàu đều có thể mua bảo hiểm cho tàu cá.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho rằng, nhiều trường hợp ngư dân đã bỏ cả chuyến biển để trợ giúp phương tiện khác bị nạn. Tàu cá cứu giúp bị tổn thất rất lớn, cần được hỗ trợ kịp thời, vừa giúp họ có kinh phí trang trải vừa động viên họ tiếp tục có nghĩa cử cao đẹp. Trên biển, khi gặp nạn, trước hết là các tàu cá trong các tổ, đội đoàn kết sản xuất trợ giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, mô hình này vẫn chỉ hoạt động tự phát nên tỉnh cần xem xét, có cơ chế trợ giúp về kinh phí, quỹ hoạt động. Vì vậy, UBND tỉnh cần hỗ trợ cho thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu cá cứu hộ, cứu nạn bằng cách tính theo ngày công lao động phổ thông cũng như bù lại phần nhiên liệu hoạt động.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ đề xuất Trung ương nghiên cứu, triển khai cơ chế mới, thiết thực khuyến khích ngư dân yên tâm vươn khơi bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, phù hợp với tình hình sản xuất có nhiều biến động như hiện nay. Hiện UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với các ban ngành khẩn trương bổ sung, hoàn thiện lại các cơ chế hỗ trợ, trình UBND tỉnh phê duyệt trong đầu tháng 6-2016 và sớm triển khai để ngư dân được hưởng lợi.
NGUYÊN KHÔI