Hỗ trợ người dân trồng rau màu và cây ăn trái trong mùa mưa

Tiền Giang là địa phương có diện tích rau màu lớn nhất vùng ĐBSCL, mỗi năm sản xuất khoảng 55.000ha rau màu, cung cấp một số lượng lớn rau màu cho TPHCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, trong mùa mưa này, để phòng ngừa ngập úng, nâng cao năng suất, giảm giá thành, các chuyên gia, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân các biện pháp kỹ thuật tránh thiệt hại.
Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân phải thường xuyên khai thông cống rãnh, xới xáo mặt đất, rải vôi để rửa độc cho đất

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân phải thường xuyên khai thông cống rãnh, xới xáo mặt đất, rải vôi để rửa độc cho đất

Theo các chuyên gia, trồng rau màu trong mùa mưa bất lợi hơn trong mùa khô, tuy nhiên nếu trồng đạt kết quả thì thu nhập cao hơn nhờ giảm công tưới nước, bán được giá cao.

Thạc sĩ Võ Văn Men, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, hầu hết các loại rau cải, rau gia vị và rau ăn lá chỉ thích hợp với những điều kiện thời tiết khô và có nắng. Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có khoảng 14.000ha rau màu đang vào vụ cho thu hoạch nhưng thời tiết mưa nhiều, điều này sẽ bị vùi dập cây rau và nhiều dịch bệnh phát triển.

Thạc sĩ Võ Văn Men hướng dẫn: “Với những vùng trũng thường xuyên ngập nước, tôi khuyến cáo người dân nên lên liếp cao, tạo lối thoát nước tốt, tuyệt đối không để ứ đọng nước. Đối với những vùng không có điều kiện thoát nước tốt, người dân nên chuẩn bị máy bơm để bơm nước ra ngoài. Đặc biệt, người dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sự cố ngập úng. Bên cạnh đó, người dân cần xử lý hạt giống trước khi gieo trồng để tránh được bệnh lở cổ rễ và bệnh nấm, đồng thời xử lý rơm rạ thật khô phủ lên mặt liếp để chống mưa xói mòn”.

Ngoài ra, đối với những vườn cây ăn trái, trong mùa mưa này, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo người dân phải thường xuyên khai thông cống rãnh, xới xáo mặt đất, rải vôi để rửa độc cho đất. Riêng đối với cây sầu riêng, đây là vụ nghịch mùa nên giá thành rất cao. Để tránh bị thiệt hại nặng, người dân cần đắp gốc cao lên khoảng 1 mét, tỉa sửa cành tán và bón phân theo đúng hướng dẫn để nuôi cành mới.

Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, chuyên gia bảo vệ thực vật, khi đất bị ngập nước, yếm khí vi khuẩn trong đất không hoạt động được, lúc này chỉ là yếm khí nên cây không hút nước kịp và bị héo. Bên cạnh đó, độ ẩm trong không khí cao sẽ phát sinh dịch bệnh thán thư và một số bệnh từ đất. Vì vậy, sau những cơn mưa lớn, bà con nên phun ngừa bệnh thán thư.

Tại Long An, nhằm hỗ trợ người dân trong trồng trọt vào mùa mưa này, Sở NN-PTNT tỉnh Long An vừa tổ chức tập huấn, triển khai, bàn giao 2 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh tại huyện Tân Trụ và Thủ Thừa.

Theo đó, 2 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh hoạt động hệ thống theo phương thức dẫn dụ côn trùng bằng ánh sáng đèn led có dải bước sóng phù hợp tập trung vào khu vực hoạt động của trạm. Hệ thống hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bảo đảm duy trì vận hành liên tục, an toàn về điện khi vận hành, đặc biệt khi có mưa và gió lớn.

Đến nay, toàn tỉnh Long An có 9 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đến năm 2024, sở dự kiến sẽ lắp đặt thêm khoảng 8 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh.

Tin cùng chuyên mục