(SGGP).- Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI cho biết: Năm nay, dự án NESCAFÉ Plan sẽ hỗ trợ thêm 4 triệu cây giống cho người trồng cà phê Tây Nguyên, trong đó Nestlé hỗ trợ 50% giá giống. Từ 2011 đến nay, dự án này đã hỗ trợ 7 triệu cây giống cho hơn 9.400 người dân Tây Nguyên.
TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI, chia sẻ: “Dự án NESCAFÉ Plan đã giúp tháo gỡ khó khăn của việc trồng lại cây cà phê, hỗ trợ 50% giá giống cho nông dân, thức đẩy mạnh mẽ việc thay thế các vườn cà phê già cỗi. Chương trình này cũng đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên tới 7 tấn/ha, gần gấp đôi năng suất bình quân hiện nay”.
CÔNG HOAN
* Khoai tây, hành tây rớt giá
(SGGP).- Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (nơi có diện tích khoai tây lớn nhất TP Đà Lạt), cho biết, giá khoai tây đang giảm mạnh. Cách đây khoảng 2 tháng, thương lái thu mua khoai tây ở vườn khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, thì hiện chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nhà nông, đặc biệt là những người đi thuê đất trồng khoai chỉ biết lấy công làm lời. Nguyên nhân giá khoai tây giảm mạnh, ngoài việc được mùa, khoai tây Đà Lạt còn bị cạnh tranh bởi khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt.
Còn tại huyện Đơn Dương, vụ đông xuân năm 2014, bà con nông dân trồng trên 170ha hành tây, ước tính tổng sản lượng đạt gần 8.000 tấn. Do thị trường tiêu thụ chậm, không xuất khẩu được, nên hành tây đang rớt giá mạnh. Trước Tết Nguyên đán, hành tây giống Nhật Bản thương lái mua tại vườn dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, nhưng thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng hành tây thua lỗ lên đến hàng chục triệu đồng/vụ.
NGUYỄN TIẾN
* Kon Tum: 5.000ha cao su nhiễm bệnh phấn trắng
(SGGP).- Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Đào (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), cho biết: Đến nay, gần 600ha cao su trên địa bàn xã bị nhiễm bệnh phấn trắng, trong đó phần lớn là diện tích đang kỳ khai thác (từ năm thứ nhất đến năm thứ năm). Đáng lo nhất là thời điểm hiện nay, cao su đang rớt giá nên các hộ gia đình không tổ chức phun thuốc trị bệnh khiến nhiều vườn cao su bị chết...
Ngoài xã Kon Đào, vườn cao su của các địa phương khác ở huyện Đăk Tô như: Diên Bình, Pô Kô, Tân Cảnh cũng nhiễm loại bệnh này với tổng diện tích gần 3.850ha.
Theo Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, không riêng Đăk Tô, bệnh phấn trắng cũng đang hoành hành tại các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Ngọc Hồi, TP Kon Tum... với diện tích gần 5.000ha. Phấn trắng là loại bệnh lây lan, phát tán theo chiều gió nên số diện tích nhiễm bệnh ở Đăk Tô tăng từng ngày.
NAM HỒNG