Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bình ổn giá

417 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường
Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bình ổn giá

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội TP đã có nhiều khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,9% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và phát triển sản xuất, kinh doanh của TP trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả.

Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM đã liên kết, ứng vốn cho HTX Nông nghiệp Phong Thúy (tỉnh Lâm Đồng) để cung ứng nguồn hàng cho chương trình bình ổn của TP. Ảnh: Hải Hà

Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM đã liên kết, ứng vốn cho HTX Nông nghiệp Phong Thúy (tỉnh Lâm Đồng) để cung ứng nguồn hàng cho chương trình bình ổn của TP. Ảnh: Hải Hà

417 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong suốt 2 năm qua, đặc biệt là 9 tháng đầu năm 2013, hoạt động của DN đã và đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Hiệu ứng của cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN đã bắt đầu phát huy tác dụng. Lãi suất giảm nhanh và mạnh trong thời gian qua đã hỗ trợ quá trình phục hồi của DN.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, các chương trình hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TP thời gian qua được thực hiện trên 2 phương diện chính, đó là: thông qua cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất; thực hiện các giải pháp hiệu quả trong triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ và cơ chế chính sách của NHNN và của UBND TPHCM. Trong đó, đặc biệt là các chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình phối hợp với Sở Công thương trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN trong quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng, chương trình cho vay bình ổn thị trường…

Đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TP thời gian qua, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, Chương trình hỗ trợ DN cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên từ 14 ngân hàng đăng ký tham gia ban đầu với khoảng 32.000 tỷ đồng và 160 triệu USD, đến nay dư nợ cho vay trong nhóm này đã tăng gấp 4 lần với 123.000 tỷ đồng cho 35.707 DN vay. So với cuối năm 2012, dư nợ cho vay của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đã tăng 44,37%, trong đó cho DN vừa và nhỏ vay cao nhất, tăng 60%.

Chương trình bình ổn thị trường, từ năm 2012 trở về trước, ngân sách TP đã hỗ trợ lãi suất nhưng trong năm 2013, ngân sách TP không thực hiện hỗ trợ vốn vay mà thay vào đó, TP sẽ thực hiện kết nối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia chương trình giúp DN tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã tích cực tham gia chương trình này và đến nay đã có 5 NHTM đăng ký tham gia chương trình với 1.960 tỷ đồng, trong đó vốn ngắn hạn trên 800 tỷ đồng, còn lại là vốn dài hạn.

Đến nay, 5 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Lý Thường Kiệt, Ngân hàng Công thương chi nhánh 7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bến Thành, Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Sacombank) đã giải ngân cho 18 DN và 1 liên hiệp HTX với tổng mức cho vay là 417 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm.

Ngoài ra, nhằm thực hiện khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, phát triển hiệu quả và bền vững, theo chủ trương của TP, từ tháng 3-2013 đến nay, đã có 10 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tham gia cho 3.283 hộ vay vốn với dư nợ tín dụng đạt gần 769 tỷ đồng để trồng mai ghép, hoa lan, hoa kiểng, nuôi trồng thủy sản, nuôi nhím, heo, cá sấu…

Kết nối ngân hàng - DN lan tỏa nhanh

Chương trình kết nối ngân hàng - DN sau hơn 1 năm thực hiện đã có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng DN tại các quận, huyện. Từ 92,6 tỷ đồng được ký kết đầu tiên trên địa bàn quận Tân Bình vào tháng 7-2012, đến nay NHNN chi nhánh TPHCM cũng đã hoàn thành kết nối tại 24 quận, huyện, trong đó có 4 quận, huyện đã tổ chức lần 2 (quận 8, Tân Bình, Gò Vấp và Hóc Môn) với sự tham gia của 136 ngân hàng. Đến nay, có đến 600 DN, hộ cá thể và HTX (trong đó chủ yếu là DN vừa và nhỏ) đã được tiếp cận với tổng hạn mức tín dụng trên 13.146 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi trung bình từ 8%-8,5%/năm đối với vay ngắn hạn và từ 9%-12%/năm cho vay trung và dài hạn, trong đó có nhiều gói chỉ ở mức lãi suất 6%/năm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, từ nay đến cuối năm 2013, dự kiến tổng số vốn cho vay thuộc chương trình này lên khoảng 17.000 tỷ đồng.

Ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, sau hơn một năm tham gia chương trình kết nối ngân hàng – DN, Sacombank đã cung ứng đến cộng đồng DN, hộ kinh doanh tại 23 quận, huyện trên địa bàn TPHCM với tổng nguồn vốn hơn 1.065 tỷ đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai tổng cộng 26 gói nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá 30.400 tỷ đồng và 105 triệu USD cho các khách hàng DN và cá nhân kinh doanh trên cả nước theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Để hỗ trợ các DN tham gia bình ổn giá thị trường năm 2013 và Tết Giáp ngọ năm 2014, Sacombank đã dành hơn 1.200 tỷ đồng để cung ứng kịp thời đến các DN với lãi suất ưu đãi tối thiểu 6%/năm.

Không chỉ mới đây mà nhằm hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh cho các tiểu thương, Sacombank đã triển khai sản phẩm “Cho vay tiểu thương chợ” từ hơn 20 năm nay. Hiện mức vay tối đa cho mỗi tiểu thương lên đến 500 triệu đồng, thời gian vay tối đa lên đến 3 năm, phương thức trả góp linh hoạt theo ngày, tuần, tháng và được giải ngân cũng như thu nợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh. Đến ngày 31-8, dư nợ “Cho vay tiểu thương chợ” của Sacombank gần 500 tỷ đồng.

Với những kết quả trên cho thấy, các chương trình hỗ trợ DN trên địa bàn TPHCM đã mang lại hiệu quả rõ rệt nhằm giải quyết khó khăn cho DN một cách trực tiếp các nhu cầu về vốn, từ đó giúp DN giảm chi phí lãi vay, có được nguồn vốn để mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục