
Vốn là một đoạn dòng cũ của sông Hồng nên Hồ Tây và hồ Trúc Bạch thuở xa xưa là một, thông liền nhau. Sử sách ghi lại, đầu thế kỷ 17, dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc phía Đông - Nam Hồ Tây để nuôi cá. Con đê ấy có tên là Cố Ngự Yển, tức đập Cố Ngự, có nghĩa là giữ vững.
Sau này được gọi chệch đi thành tên là Cổ Ngư! Vào thế kỷ 18, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ buộc phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, đó cũng là lý do vì sao hồ được gọi là hồ Trúc Bạch.

Không còn đâu là làng Trúc Lâm xa xưa nữa, giờ đây, vây quanh hồ Trúc Bạch là nhà cao tầng, san sát đủ màu, đủ kích thước (ảnh 1). Chỉ là một phần nhỏ của Hồ Tây xưa kia, và không thể có sự mênh mang, khoáng đạt như Hồ Tây, nhưng hồ Trúc Bạch vẫn mang trên mình những nét đẹp cùng những huyền tích lịch sử hàng trăm năm qua.
Phía Bắc lòng hồ Trúc Bạch có một gò đất nhỏ và tương truyền trên gò có đền thờ Cẩu Nhi gắn với chuyện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La.
Huyền thoại kể rằng trước ngày dời đô, có một con chó tới làm ổ đẻ con trên đỉnh núi Nùng, nơi này sau dựng “Chính điện đài” và lập bên điện ngôi đền thờ chó mẹ và chó con.
Đến triều đại sau, đền thờ Cẩu Nhi được dời ra ngoài hoàng thành, dựng trên gò trong hồ Trúc Bạch. Đó là huyền sử, còn nhiều năm qua, gò đất giữa hồ với cây xanh mọc um tùm được người dân quanh hồ vẫn gọi là đảo cá hay bến cá (ảnh 2). Đó là nơi trú ngụ, kiếm sống của một đàn cò lửa. Đứng ở đường Thanh Niên, tinh mắt sẽ nhìn thấy những con cò đang đậu trên những cành cây sát mặt nước để rình bắt cá (ảnh 3).
Có lẽ đã quá quen với cảnh người xe qua lại, tiếng động phố xá, nên những con cò đó rất dạn dĩ, bình thản với mọi điều xung quanh. Chúng lặng lẽ, trầm ngâm rình bắt mồi và thỉnh thoảng nhoài mình, vỗ cánh bay lượn một vòng quanh hồ, rồi lại quay về náu mình trên những lùm cây trên gò đảo nhỏ, như hàng trăm năm qua, những lớp tổ tiên của đàn cò đã từng làm trên hồ Trúc Bạch này...


Bài, ảnh: TRẦN BÌNH