Hoa hồng “Made in China”

Hoa hồng “Made in China”

Người Mỹ, người châu Âu từng mua giày, đồ chơi và lò vi sóng Trung Quốc. Vậy tại sao họ không mua hoa hồng? Đấy là suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực xuất khẩu hoa cắt cành, mục đích không chỉ ở chỗ phát triển một ngành công nghiệp mới tiến ra thế giới mà còn nhằm xây dựng lại cảnh quan kinh tế- xã hội ở vùng đất phía nam, khiến nơi đây phát triển kịp các vùng thịnh vượng khác. Và, cuối tuần này, những cánh hồng “Made in China” có mặt tại Mỹ.

  • Ngành công nghiệp mới

Công nghiệp hoa cắt cành được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho là rất quan trọng, một ưu tiên cấp quốc

Hoa hồng “Made in China” ảnh 1
Một góc nhà đấu giá hoa Aalsmeer tại Amsterdam, Hà Lan.

gia, khi ông đến Vân Nam 2 năm trước đây. Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người tiền nhiệm là Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng bày tỏ sự quan tâm cải thiện các nhà kính trồng hoa ở tỉnh này và chính phủ đã cung cấp những khoản vay không lãi để xây dựng nhà kính. Với việc xây dựng ngành công nghiệp hoa ở vùng đất còn nghèo khó phía nam so với các tỉnh duyên hải thịnh vượng, Trung Quốc muốn mang lại việc làm cho cả chục triệu công nhân nghèo, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa người dân các thành phố giàu với nông dân thiếu việc làm.

Tại một trại hoa rất lớn ở Vân Nam, công nhân được trả 25 USD/tháng cho công thu hoạch hoa trồng trong nhà kính, chuyển tới nhà xưởng lớn để ngắt bỏ gai và gói lại để vận chuyển. Hoa hồng đã loại hết gai, nhẹ hơn và có thể gói chặt hơn, giảm được phí vận chuyển hàng không. Công việc loại bỏ gai khó nhọc này thường được làm bằng máy tại các nước nhưng ở Trung Quốc hiện làm bằng tay, hoa ít xây xát hơn, tất nhiên công nhân nhiều lúc bị gai đâm.

  • Cánh hồng “Made in China” bay ra thế giới

Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc cũng như người trồng hoa đã thu được kết quả. Cuối tuần này một lượng lớn hoa đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ, trong đó một số được đưa đến Los Angeles, được gói cùng những chai vang đỏ trong các hộp quà xinh xắn; số khác sẽ được bán tại nhà đấu giá ở Hà Lan, nơi tự hào có truyền thống trồng hoa uất kim hương (tulip) và nhiều loại hoa khác. Hầu như qua một đêm, những người trồng hoa ở vùng nông thôn nghèo nam Trung Quốc đã trở thành những nhà cung cấp cho thị trường thế giới từ Singapore đến Matxcơva.

Li Gang, phó chủ nhiệm Hiệp hội hoa tỉnh Vân Nam cho biết họ có kế hoạch trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hoa lớn nhất châu Á trong 10 đến 15 năm tới, đồng thời đứng vào hàng lớn nhất của thế giới sau Hà Lan. Cho đến nay, nhà nước đã nỗ lực lớn để biến ước mơ thành hiện thực, thông qua việc mở rộng tột đỉnh cơ sở hạ tầng cho vùng nằm sâu trong nội địa, như xây đường 12 làn xe, những chiếc cầu vững chắc và các sân bay quốc tế.

Hoa hồng “Made in China” ảnh 2

Đóng gói hoa để xuất khẩu.

Trung Quốc đang cố gắng xuất khẩu hoa hồng, mặt hàng giá trị kinh tế cao và dễ dàng vận chuyển đi xa, ít hư hỏng. Hoa cẩm chướng cũng vận chuyển xa được, nhưng giá trị kinh tế thấp, còn hoa tulip giá trị cao nhưng phải gói rất lỏng tay, chiếm nhiều diện tích nên đẩy giá vận chuyển đường không lên cao khiến Trung quốc không dễ dàng cạnh tranh. Hoa loa kèn (lily) giá trị cao, có thể vận chuyển bằng đường không nhưng phải nâng như nâng trứng... nên bước đầu Trung Quốc xuất khẩu sang những thị trường gần hơn, như Singapore.

  • Rắc rối hoa không đăng ký, chẳng thuế bản quyền!

Trung Quốc hiện bán hoa ở mọi phẩm cấp, và người trồng hoa đang cố sản xuất hoa phẩm cấp cao nhất – mọc cao, thẳng và không hư hỏng. Nhưng những loại hoa hồng hàng đầu này chỉ mới được trồng ở Trung Quốc bởi những tranh cãi lâu nay chung quanh việc người trồng hoa Trung Quốc trốn tránh đóng thuế bản quyền. Các chính phủ phương Tây, bao gồm Hà Lan, phàn nàn nhiều người trồng hoa Trung Quốc không trả tiền bản quyền khi trồng những chủng loại hoa đã được đăng ký quốc tế.

Chính vì việc này họ có thể thúc đẩy ngăn chặn các nước nhập khẩu hoa của Trung Quốc, cũng như sẵn sàng ngăn cản việc chuyển giao loại hạt giống hoa hồng không gai cho Trung Quốc. Hiện nay toàn bộ hoa trồng thương mại tại tỉnh Vân Nam, là những loài đã được mua bán trên bình diện quốc tế, được người Vân Nam mua ở đâu đó. Các nhà trồng hoa ở đây đã sản xuất một số giống mới và đăng ký với chính quyền địa phương, nhưng họ chẳng mấy nỗ lực đăng ký chúng ở nước ngoài, nơi họ sẽ là đối tượng bị truy hỏi liệu những giống hoa này lấy từ nguồn nào, đã có đăng ký chưa, và như thế, có thể có trường hợp bị đòi nợ phí bản quyền.

Không chỉ có rắc rối nêu trên. Chính phủ Trung Quốc hiện chi đến 200 tỷ USD một năm, phần lớn để xây đường sá, cầu cống, sân bay và hệ thống điện thoại nối các vùng sâu trong nội địa với thế giới bên ngoài, bảo đảm góp phần làm cho hành trình của những cánh hồng vươn ra thế giới một cách nhanh chóng và êm ái. Xe tải lạnh đang được cấp miễn phí hoặc giảm giá mạnh cho những nhóm trang trại nhỏ có lượng hoa ít dễ bị héo trong vận chuyển.

Các nhà cạnh tranh cho rằng việc làm của chính phủ Trung Quốc có thể vi phạm luật buôn bán quốc tế ngăn cấm chính phủ trợ cấp cho các nhà xuất khẩu. Trước sự phát triển của ngành công nghiệp hoa cắt cành Trung Quốc, các nước dường như bắt đầu lo.

Như nhiều ngành công nghiệp khác, Trung Quốc có thể xuất khẩu số lượng quá nhiều hoa, đặc biệt hoa phẩm cấp thấp, dẫn đến hạ giá mạnh hoa bán sỉ. Việc Trung Quốc có kế hoạch xuất khẩu đến 200 triệu USD vào 2010, tương đương hơn 1 tỷ cành hoa đã và đang là thách thức đối với các nước nổi tiếng xuất khẩu hoa như Colombia, Ecuador, Kenya, Malaysia và Thái Lan.  

- Hoa hồng bán sỉ tại Vân Nam 4 đến 16 cent/cành. Phí vận chuyển hàng không 30 cent/cành, giảm chút ít nếu không gai và lá. Giá một cành hoa đến được với nước ngoài có đến 90% là phí vận chuyển.

- Trên thế giới có nhiều nhà đấu giá hoa, tại Nhật Bản, Đức, Australia,... nhưng lớn nhất là tại Amsterdam (Hà Lan), thứ nhì là Vancouver (Canada).

- Nhà đấu giá hoa Aalsmeer ở Amsterdam rộng bằng 9 sân bóng đá, một mái che. Các công-te-nơ hoa, cây kiểng, hoa chậu và nguyên liệu cắm hoa (rêu, lá dương xỉ,...) chất trên các xe goòng móc vào nhau được kéo qua khu vực đấu giá. Người đấu giá thắng có thể mua toàn bộ hoặc chỉ một công-te-nơ trên xe goòng và như thế số còn lại được đưa ra đấu giá tiếp. Hàng triệu hoa và cây cảnh được mua và bán tại đây mỗi ngày. Một khi đã được đấu giá, chúng được chất lên máy bay để đến các nước ngay trong ngày hôm ấy.

- Nhà đấu giá Vancouver ở thung lũng Fraser hoạt động sáng thứ hai, thứ ba và thứ năm, bắt đầu từ 6 giờ. Một phiên đấu giá từ 1 đến 3 giờ, và mặc dù xử lý đến 4.000 giao dịch/giờ, các phiên đấu giá diễn ra trong yên tĩnh, trật tự qua xử lý số liệu bằng điện tử. Người đấu giá ngồi thoải mái ở khán đài, sử dụng các thiết bị để thực hiện đấu giá khi đoàn xe goòng hoa và cây kiểng nối tiếp nhau đi qua. Nơi đây cho phép du khách xem đấu giá, không được mua.

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục