Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng vừa dẫn một báo cáo rất đáng chú ý của Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) mới được công bố. Theo đó, cảnh báo Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực gia tăng do những phần tử ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tăng cường phối hợp với nhau.
Theo báo cáo này, mối nguy hiểm chính nằm ở vùng xung đột miền Nam Philippines, nơi một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã thề trung thành với IS. Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của lực lượng phiến quân Abu Sayyaf đã được IS phong làm amir (tiểu vương) - kẻ được xem là thủ lĩnh của IS ở khu vực Đông Nam Á. Hàng trăm phần tử khủng bố Đông Nam Á đang tham chiến tại Syria đã cam kết trung thành với Hapilon. Phiến quân ở Philippines còn mở rộng liên kết với các tổ chức cực đoan khác trong khu vực, đặc biệt là ở Indonesia và Malaysia. Chuyên gia Sidney Jones của IPAC cho rằng, việc liên quân quốc tế ở Iraq và Syria đang đẩy mạnh tiêu diệt IS sẽ càng thúc đẩy những kẻ trung thành với IS trên thế giới điên cuồng hơn. Đáng tiếc là đứng trước hiểm họa đó, theo bà Jones, các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực Đông Nam Á lại chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó. Hơn nữa, chính sách xa rời Mỹ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ khiến cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Đông Nam Á còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo bà Jones, miền Nam Philippines được IS xem như lãnh thổ mở rộng của tổ chức này ở Đông Nam Á. Mối đe dọa an ninh lan rộng ra các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia hay Malaysia sẽ được châm ngòi từ khu vực miền Nam bất ổn của Philippines. Hiện Mỹ chỉ còn khoảng 100 binh sĩ đồn trú tại thành phố cảng Zamboanga, giảm mạnh so với giai đoạn từ giữa năm 2008 đến năm 2012 với 600 binh sĩ. Nhiệm vụ chủ yếu của các lực lượng Mỹ là hỗ trợ và đào tạo thực tế cho an ninh quân đội Philippines. Dù chính sách của ông Duterte chưa ảnh hưởng quá lớn tới các lực lượng của Mỹ nhưng việc Tổng thống Philippines yêu cầu Mỹ rời khỏi Philippines trong 2 năm tới có thể làm giảm thiểu sự hỗ trợ đối với các hoạt động đào tạo, an ninh tình báo. Điều này có thể sẽ khiến quốc gia Đông Nam Á gặp khó khăn trong thời gian tới khi IS lớn mạnh hơn.
Các hoạt động của IS ở Mindanao hiện không chỉ dừng lại ở việc bắt cóc đòi tiền chuộc. Nhóm này đang dụ dỗ, đe dọa người dân khu vực này tuân phục chúng, đồng thời mở rộng việc tuyển dụng các sinh viên đại học am hiểu công nghệ và thiết lập thêm các kênh liên lạc quốc tế để nhận tài trợ. Điều này đồng nghĩa với việc bạo lực bùng phát ở Philippines và lan rộng ra trong khu vực sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Một minh chứng rõ ràng nhất đó là vụ đánh bom đẫm máu tại một khu chợ đêm ở Davao, nơi Tổng thống Duterte từng có 22 năm làm thị trưởng, do Abu Sayyaf thực hiện mới diễn ra gần 1 tháng trước.
IS không chỉ mang đến nỗi lo về bạo lực và sẽ còn gieo rắc tư tưởng cực đoan nguy hiểm cho khu vực mà tổ chức này cắm rễ. Cũng vì lý do này, giới quan sát khuyến cáo Philippines nên xây dựng mối quan hệ gần gũi với Mỹ để có thể tiếp tục duy trì các hỗ trợ về mặt quân sự, giúp Manila ứng phó với chủ nghĩa khủng bố cực đoan thay vì xa lánh đồng minh như hiện nay.
MINH CHÂU