Hoa kiểng “chạy ngược chạy xuôi”

Ở nhiều nơi, nông dân trồng hoa kiểng không chỉ đối mặt với rủi ro về thời tiết, giá cả thị trường mà còn lo cơn lốc đô thị hóa… sẽ lấy hết đất trồng hoa.
Hoa kiểng “chạy ngược chạy xuôi”

Ở nhiều nơi, nông dân trồng hoa kiểng không chỉ đối mặt với rủi ro về thời tiết, giá cả thị trường mà còn lo cơn lốc đô thị hóa… sẽ lấy hết đất trồng hoa.

Nông dân làng La Cả, phường Dương Nội (Hà Đông) thuê đất trồng đào ở phường Đại Mỗ nhưng sắp phải chuyển đi nơi khác vì “đụng” quy hoạch đô thị.

Tất tả tìm đất

Một buổi sáng trên cánh đồng bỏ hoang trơ gốc rạ và cỏ ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), hơn chục chiếc máy cắt cỏ, xới đất réo vang cả vùng. Ngồi vắt vẻo trên chiếc máy lật đất, anh Nguyễn Hữu Lợi cho biết, vợ chồng anh cùng hàng chục chủ hộ đang trồng đào bán tết ở bên phường Đại Mỗ (giáp Tây Mỗ) thì có lệnh thu hồi đất để thi công dự án chung cư nên phải trả đất cho chủ đầu tư, do đó phải chạy sang Tây Mỗ thuê lại ruộng của bà con để kịp trồng vụ hoa mới.

Anh Lợi nhớ lại: Năm 2007-2008, khi có dự án thu hồi đất ở phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) để xây khu đô thị mới dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, gần như 95% đất trồng đào ở làng La Cả (thuộc phường Dương Nội) bị san lấp; hàng trăm gia đình trồng đào, trong đó có tôi phải chạy sang những cánh đồng ở Đại Mỗ thuê lại vì không muốn bỏ nghề trồng hoa kiểng. Nhưng từ năm 2010 đến nay, cánh đồng khoảng 150ha còn sót lại ở Đại Mỗ cũng đã nằm trong dự án quy hoạch đô thị, nên bây giờ lại chạy sang phường Tây Mỗ tìm đất thuê lại.

Nói về cánh đồng ở phường Tây Mỗ nằm nép mình dưới chân đại lộ Thăng Long, anh Nguyễn Văn Khoa, ở xóm Đoàn Kết, phường Dương Nội, cho biết sắp phải “bốc” toàn bộ vườn đào hơn 3 sào Bắc bộ (hơn 1.000m2) ở bên Đại Mỗ sang đây. Mỗi lần có lệnh thu hồi, lại phải cất công đi tìm chỗ mới, rồi lại đầu tư làm đất, đánh luống, phát cỏ… nói chung làm lại từ đầu, rất tốn kém.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân Tây Mỗ, khu đất vừa được cho dân nơi khác tới thuê trồng đào cũng đã nằm trong quy hoạch. Cách đây hơn 15 năm, chỗ này dự định làm khu Đại học Quốc gia (để di dời các trường ở nội thành Hà Nội ra) nhưng sau đó đổi lên khu Láng Hòa Lạc và giao lại một đơn vị khác làm chủ đầu tư. Mới đây, khi các dự án xung quanh đại lộ Thăng Long triển khai, cánh đồng bị chia cắt thành nhiều mảnh và trở thành “dự án treo”. Anh Nguyễn Hữu Lợi nói: “Nếu đất ruộng ở đây tiếp tục bị thu hồi lại sẽ phải di tản sang nơi khác. Từ năm 2007 (thời điểm khi sát nhập Hà Nội và Hà Tây) đến nay, chúng tôi đã phải di chuyển 4-5 lần rồi”.

“Quên” quy hoạch đất trồng hoa

Không chỉ riêng Dương Nội, Đại Mỗ, Tây Mỗ mà hàng loạt nơi khác như Tây Tựu, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Phú Thượng… vốn là những làng hoa kiểng nổi tiếng ven đô Hà Nội, hiện đang đứng trước quy hoạch chuyển đổi sang đất đô thị. Còn ở nơi chưa quy hoạch hoặc dự án treo thì có nghịch lý khi nông dân biết làm ra tiền từ kỹ thuật trồng hoa kiểng lại không có đất; nơi có đất thì dân lại không biết làm hoặc không thiết tha. Ông Đinh Duy Hòa, Chủ nhiệm HTX số 1, Tây Tựu cho biết, dân trong phường hiện có hơn 200ha đất trồng hoa nhưng khoảng một nửa được trồng trên đất của các xã… lân cận như Liên Mạc, Tân Lập do bà con kéo sang bên đó thuê vì đất ruộng Tây Tựu ngày càng co hẹp lại bởi đang mọc lên hàng chục dự án xây dựng lớn.

Trong các báo cáo của ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn nói làng hoa Tây Tựu là nơi cung cấp hoa kiểng cho thủ đô Hà Nội, nhưng thực tế Tây Tựu cũng đang đối mặt với cơn lốc đô thị hóa từ nhiều năm qua. Theo ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, ở đây có tới 2.800 hộ trồng hoa kiểng (thu mỗi năm 500-600 triệu đồng/ha tới 1-2 tỷ đồng/ha nếu trồng hoa xuất khẩu) nhưng bà con rất tâm tư vì từ tháng 4-2014, xã Tây Tựu đã trở thành phường, có nghĩa sẽ được đầu tư quy hoạch lại. Nhiều dự án, công trình xây dựng xuất hiện, đồng nghĩa với nguy cơ làng hoa sẽ biến mất, giống như làng hoa Vĩnh Tuy (Thanh Trì, Hà Nội) sau khi “làng lên phố”.

Theo quy hoạch của Hà Nội đến năm 2020, Tây Tựu nằm trong vòng lõi đô thị và hiện cũng chưa xác định có giữ lại làng hoa hay không. Hầu như các làng hoa kiểng ven đô hiện nay đều trong tình trạng tự phát, bỏ quên quy hoạch. Cũng không riêng Hà Nội, còn hàng loạt tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… cũng vậy, nông dân không chỉ đổ xô trồng -  chặt theo phong trào khi thị trường có nhu cầu, mùa vụ bấp bênh mà chính quyền cũng chưa có quy hoạch rõ vùng hoa kiểng.

Nói cách khác, chính quyền ở nhiều địa phương mới chỉ lo về quy hoạch xây dựng nhưng “quên” quy hoạch xanh và nông nghiệp sinh thái ở những địa bàn có điều kiện phát triển nông nghiệp sinh thái, hoa cây cảnh. Đồng thời giữa các địa phương cũng không liên kết với nhau, cuối cùng bỏ mặc nông dân xuôi ngược tìm đất để “dụng võ”. Hiện Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đang có khởi xướng về thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, một số nông dân ở làng hoa Tây Tựu đã mạnh dạn trồng hoa theo mô hình công nghệ cao, đầu tư trên diện tích lớn, nhập giống hoa ngoại về trồng… nhưng cứ tình trạng đuổi theo quy hoạch đô thị như hiện nay thì thật khó để nông dân nghĩ tới những dự án lớn.

Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Nắng Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: Trong quy hoạch mới nhất của TP Hà Nội có xác định sẽ giữ lại khoảng gần 100ha ở Tây Tựu để làm vùng trồng hoa cho Hà Nội nhưng hiện cũng mới dừng lại ở đây, chưa có dự án chi tiết.


Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục