Hoa Kỳ theo chủ nghĩa biệt lập

Sau một năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện đúng cam kết là đưa nền kinh tế Mỹ đi lên. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ người đứng đầu nước Mỹ lại sụt giảm mạnh, xuống mức 37%. Phải chăng do tính cách khó lường và những quyết sách bất ngờ đã khiến ông Donald Trump trở thành nhà lãnh đạo gây tranh cãi ở nước Mỹ và rộng hơn là trên toàn cầu?
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”
Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”
Bỏ qua sân sau 

Đầu tiên, không thể không đề cập đến chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống Donald Trump luôn theo đuổi ngay từ khi vận động tranh cử và lúc lên cầm quyền. Tác động của “Nước Mỹ trước tiên” khiến xứ cờ hoa tốt lên hay xấu đi hiện vẫn đang là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trong dư luận người dân cũng như truyền thông Mỹ. Thông qua các biện pháp như chú trọng đầu tư trong nước, cắt giảm thâm hụt thương mại, giảm thiểu nhiều quy định kinh doanh, thậm chí là bỏ qua các quy định, quy tắc thương mại quốc tế…, môi trường kinh doanh tại Mỹ phần nào được giải phóng. Kết quả đã thể hiện rõ trong năm 2017: Thị trường chứng khoán của Mỹ tăng trưởng kỷ lục, tăng trưởng GDP ước đạt 3%-4% (mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua), tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. 

Tuy nhiên, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” chi phối hầu hết các quyết sách quan trọng của Nhà Trắng trong các mối quan hệ quốc tế, khiến cộng đồng thế giới phải sửng sốt vì “học thuyết rút lui” của ông Donald Trump. Học thuyết này phần nào đã tác động mạnh đến nhiều đồng minh thân cận của Mỹ, buộc nhiều nước phải tự xoay xở khi nhận ra rằng không còn được sự ủng hộ của Mỹ trên mọi mặt trận nữa. Đáng chú ý nhất là mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2017 đã gặp không ít sóng gió. Ngay từ những ngày ông Donald Trump mới bước chân vào Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo EU đã phải nhiều phen “đứng ngồi không yên” trước những phát ngôn của tân Tổng thống Mỹ. Đơn cử như trước sự kiện Anh muốn rời khỏi EU (Brexit), ông Donald Trump đã có nhiều phát ngôn như chọc tức châu Âu, kiểu như: “Tôi nghĩ rằng Brexit sẽ thành công”. Thêm vào đó, phía Mỹ lại tiếp tục có một loạt động thái như những “gáo nước lạnh” dội vào châu Âu: đe dọa xem xét lại mối quan hệ với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO),  đình chỉ cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận về tự do thương mại giữa EU và Mỹ và áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Với lý do muốn lấy lại việc làm cho nước Mỹ, ông Donald Trump đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tối đa xuất khẩu hàng hóa của các nước EU vào thị trường Mỹ. Hàng loạt chính sách của Mỹ được coi là đi ngược lại lợi ích của EU, khiến đồng minh lâu năm này của Washington phản ứng mạnh mẽ.  

Riêng đối với khu vực sân sau của Mỹ như Mỹ Latinh, dưới thời ông Donald Trump, khu vực này gần như bị bỏ trống. Nhận định từ Global American, trang tin chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ, cho rằng khu vực sân sau này dường như không còn nhiều ý nghĩa với nước Mỹ. Washington đã xem tầm quan trọng của Mỹ Latinh kém xa so với các quốc gia hoặc khu vực khác như Pakistan, Iran, Triều Tiên... Không những các chuyến viếng thăm cấp cao tới khu vực này quá ít, các tuyên bố cũng chỉ mang tính xã giao, mà cho đến lúc này, khu vực Mỹ Latinh còn là khu vực nhận được hỗ trợ, tài trợ ít nhất của Mỹ ở nước ngoài. Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhiều đại sứ Mỹ ở khu vực này vẫn chưa được bổ nhiệm. Thậm chí, những công việc quan trọng của các vị trí bị bỏ trống đang được những nhân viên người nước ngoài thực hiện. 

Trong lúc Mỹ tỏ ra hững hờ thì Trung Quốc lại sốt sắng và sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ cho biết, trong năm 2016, Trung Quốc đã cấp 21,2 tỷ USD tín dụng cho các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, cao hơn các khoản tín dụng mà Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ dành cho khu vực này, với mức lần lượt là 8,2 tỷ USD và 11,6 tỷ USD. Đã có dự báo cho rằng, khoản tín dụng này sẽ tiếp tục gia tăng. 

Rút, rút và rút

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump liệu có khiến nước Mỹ tự cô lập mình khỏi thế giới hay không? Về lý thuyết, chính sách này được cho là sẽ bảo vệ quyền lợi tối ưu cho người dân Mỹ. Nhưng về phương diện ngoại giao, gây dựng sức mạnh mềm và ảnh hưởng toàn cầu cho Washington, với những người không ủng hộ thì dường như chính sách này chưa phát huy hiệu quả. Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ chuyển từ chủ nghĩa đa phương sang đơn phương. Ngay sau khi nhậm chức, ông đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP - Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. Ba tháng sau, ông yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra kỹ lưỡng hoạt động thương mại giữa Mỹ và 16 quốc gia, trong đó có hơn một nửa là các quốc gia châu Á. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước có thặng dư thương mại song phương lớn nhất với Mỹ. Không có gì bất ngờ, Trung Quốc đứng đầu danh sách với 350 tỷ USD, gấp 5 lần so với nước thứ 2 là Nhật Bản. Nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang lớn hơn bao giờ hết. Các nước kể trên đều là thành viên APEC. Bên cạnh đó là yêu cầu đàm phán lại NAFTA - Hiệp định thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico. Ông Donald Trump cũng rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và đảo ngược chính sách cởi mở hơn với Cuba.

Chưa hết, ông Donald Trump còn muốn lật lại thỏa thuận hạt nhân đã được chính quyền ông Obama và các cường quốc khó khăn lắm mới ký được với Iran. Cuối cùng, mới đây nhất là quyết định đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, làm cho “thùng thuốc súng” Trung Đông  trở nên nóng rực và Mỹ thì bị đồng thanh lên án trước Liên hiệp quốc. Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) với cáo buộc cơ quan này có “thành kiến” chống lại Israel, đồng minh của Mỹ. Gần đây, Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM) với lý do hiệp ước này không phù hợp với các chính sách của Mỹ. 

Vậy liệu có gì trong các quyết định của Tổng thống Donald Trump? Phương pháp của ông Donald Trump chính là sự đoạn tuyệt tượng trưng để gây phản ứng mạnh. Mục tiêu là để cả thế giới nghe được thông điệp “Nước Mỹ đang trở lại hùng mạnh”, như ông Donald Trump đã đề cập trong diễn văn trình bày ở Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ vào tháng 12-2017. Còn nhà phân tích Barbara Slavin, thuộc cơ quan tư vấn Atlantic Council thì nhận thấy, có vẻ như ông Donald Trump nghĩ rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của nước Mỹ là đủ để cho phép làm bất cứ điều gì họ muốn. Thế nhưng, theo chuyên gia này, Mỹ chỉ thực sự là cường quốc khi hành động làm sao để tạo ra đồng thuận quốc tế.

Về vấn đề Triều Tiên cũng như Iran, ông Donald Trump luôn đưa ra những phát ngôn rất mạnh mẽ, nhưng hiện tại không có hành động nào cụ thể và hiệu quả. Ban đầu các nước có bị sửng sốt và hơi choáng với những tuyên bố của ông Donald Trump, nhưng rồi họ, đặc biệt là đồng minh của Mỹ có vẻ cũng quen dần. Hơn nữa, trên nhiều hồ sơ, từ việc chỉ trích NATO cho đến đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông Trump cũng không thể bỏ qua được thực tế và tính liên tục của vấn đề.

Ngoại giao kiểu giao dịch 

Một học thuyết đối ngoại với quá nhiều quyết định rút lui đang khiến dư luận nghi ngờ các cam kết của Mỹ trong hệ thống quốc tế phức tạp mà chính nước này góp phần xây dựng sau Thế chiến II, mà ở đó các nước có thể hợp tác để vượt qua bất cứ quốc gia đơn lẻ nào. Việc ông Donald Trump lần lượt rút khỏi các thỏa thuận đa phương, cho thấy Tổng thống Mỹ “ưu tiên chương trình nghị sự trong nước hơn là tham vọng thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế”. Có lẽ, ông Donald Trump là vị tổng thống hiếm hoi của nước Mỹ chỉ chăm chăm mục tiêu vì một đất nước hùng mạnh cho người Mỹ, chứ không phải cho thế giới. Vì nhãn quan đó, cộng với tính khí cá nhân khó lường, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một trong những nhân vật chính trị gây sốc nhất trong năm 2017. 

Trong một năm qua, kể từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã có những chính sách đối ngoại hoàn toàn khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông thực hiện một đường lối ngoại giao gần như theo kiểu giao dịch nhằm phục vụ cho mục tiêu nước Mỹ trên hết và làm thế nào đạt được tối đa các lợi ích từ những đối tác với các thỏa thuận tốt nhất có thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang “đánh bạc” uy tín ngoại giao của nước Mỹ thông qua việc rút khỏi một loạt các thỏa thuận quốc tế. Điều này sẽ càng khiến cho chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump có nguy cơ biến thành chính sách “Nước Mỹ cô độc” khi ông phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Điều này còn gây ra những hệ lụy khôn lường với các cam kết quốc tế do chính Mỹ khởi xướng. Đúng như lời ông Donald Trump đã tuyên bố thẳng thừng trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng, ông coi Mỹ là cường quốc hùng mạnh nhất trong một mạng lưới các quốc gia có chủ quyền trên thế giới hiện nay. 

Chủ nghĩa biệt lập của nước Mỹ vẫn có thể giúp quốc gia này sống tốt nhờ rút lui khỏi các cam kết quốc tế, mặt khác lại gia tăng mở rộng tài nguyên trong nước, thu hút nguồn vốn Mỹ hồi hương, tuy nhiên về lâu dài sẽ dẫn nước Mỹ về đâu?
Chuyên gia Célia Belin thuộc Viện Brookings, Washington, nhận định rằng chính sách của ông Donald Trump đã dẫn đến việc cường quốc hàng đầu thế giới rút ra ngoài thế giới đa phương hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Belin, 3 thông báo được cho là ầm ĩ nhất, mạnh mẽ và gây hậu quả nặng lại chỉ có tác dụng chiều lòng cử tri Mỹ hơn là hiệu quả thực thi. Việc rút khỏi Thỏa thuận Paris chỉ có thể hoàn tất vào cuối nhiệm kỳ của ông; Thỏa thuận Iran vẫn có hiệu lực trong khi chuyện đặt sứ quán Mỹ ở Jerusalem cũng còn phải mất nhiều năm nữa, hết nhiệm kỳ này của ông Donald Trump chưa chắc đã hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục