Họa sĩ Cao Thị Được: Tôi vẽ màu nắng trên đôi vai tảo tần của mẹ

Họa sĩ Cao Thị Được: Tôi vẽ màu nắng trên đôi vai tảo tần của mẹ

Hồi nhỏ, cô học trò quê Thới Thạnh, một xã nghèo của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre không nghĩ có lúc mình lại trở thành họa sĩ, trở thành giảng viên dạy vẽ ở một trường Đại học Mỹ thuật. Đam mê hội họa, một thứ nghệ thuật được coi là quá “sang trọng” ở chốn quê, chị khó hình dung nghề vẽ có lúc lại như “chiếc đũa thần” đã mang hạnh phúc đến cho mình.

- PV: Gắn bó với nghề vẽ hơn 20 năm, chị vừa tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật và song song lại “trình làng” cho công chúng mỹ thuật thưởng thức 72 tác phẩm sơn dầu “đồ sộ” trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, xin cho biết cảm xúc của chị lúc này?

Họa sĩ Cao Thị Được: Tôi vẽ màu nắng trên đôi vai tảo tần của mẹ ảnh 1

Họa sĩ CAO THỊ ĐƯỢC: Về cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên có thể đối với ai đó là “chuyện nhỏ” nhưng với tôi là “chuyện lớn”. Bởi đây là quá trình lao động nghệ thuật cật lực cộng với sự trải nghiệm trong nghề vẽ nhiều năm qua, nó có ý nghĩa như sự tổng kết một chặng đường nghệ thuật của người vẽ.

Nhưng, thực lòng mà nói, có được cuộc triển lãm thành công hôm nay, tôi đã hàm ơn biết bao người. Tôi nghĩ đến những người ơn từng nung nấu, hoặc tiếp sức, tạo điều kiện, bắc cầu cho tôi đến được với nghề hội họa như anh Võ Hoàng Thiên ở Bến Tre, cố họa sĩ Văn Đen và nhất là từ sự động viên của gia đình, là ước nguyện của ba tôi lúc ông còn sống, là sự hỗ trợ, tiếp sức của má chồng tôi. Điều may mắn nhất, nói hơi bóng bẩy một chút, trong sự thành công của tôi luôn có bóng dáng của đức ông chồng - họa sĩ Nguyễn Thế Hùng. Chính anh ấy vừa là người gánh vác chuyện nhà, vừa là người bạn tâm đắc, luôn chia sẻ, trao đổi chuyện nghề với vợ…

- Tranh chị gần như đã khẳng định được một phong cách riêng với những gam màu nổi bật, “nhiều đường thẳng và những nét chấm phá”, cấu trúc mảng miếng dứt khoát, mạnh mẽ. Chị có thể cho biết rõ hơn về quan niệm sáng tác nghệ thuật ?

Tôi thường vẽ điều gì mình đã gặp, đã sống, đã gây được ấn tượng trong suy nghĩ của mình. Cái đẹp rất thực. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng ba tôi là người rất mê nghệ thuật. Thời trẻ ông từng chu du theo gánh hát làm thầy tuồng (tác giả kịch bản); sau đó ông trở về Thới Thạnh dạy đàn ca tài tử. Ông tên Nhu, trong làng tôi vẫn thường nghe bà con gọi ông Nhạc Nhu. Có thể cái chất nghệ thuật tôi có được là do ảnh hưởng từ tiếng đàn, tiếng hát của ba tôi chăng? Nhưng, về hình tượng sáng tác, trong tranh tôi bóng dáng người phụ nữ tảo tần thường xuất hiện, đó chính là hình ảnh, là cuộc đời của má tôi.

Có những ấn tượng in đậm trong tâm trí mỗi người và nó càng lan rộng, sâu sắc hơn theo năm tháng khi người ta khôn lớn. Tôi nhớ hồi nhỏ nhà ở rất xa chợ, tôi và người anh vẫn thường được má cho theo ra chợ. Buổi trưa tan chợ, quang gánh với hai thúng gánh hàng được má tôi thế vào hai đứa con nhỏ ngồi hai đầu thúng. Đường đi thì xa, má tôi gánh con đi qua cánh đồng Nam bộ rộng mênh mông dưới cái nắng hè gay gắt.

Bây giờ hồi tưởng hình ảnh má tôi gánh nặng, mệt mỏi, nhễ nhại mồ hôi, còn hai đứa con được ngồi êm ái, sung sướng, vô tư cười nắc nẻ, tôi cảm thấy xót xa, thương má quá. Tôi thích vẽ cái màu nắng trên đôi vai tảo tần của má và sau này hình ảnh những người phụ nữ lao động nghèo ở thành phố lại tiếp tục phảng phất trong tranh tôi từ bà bán hủ tiếu đầu ngõ, chị đẩy xe bán trái cây dưới mưa, người phụ nữ bán cá…

Họa sĩ Cao Thị Được: Tôi vẽ màu nắng trên đôi vai tảo tần của mẹ ảnh 2

Tranh sơn dầu “Khỏa thân” (2004).

- Trong tranh chị còn mảng đề tài lớn về người phụ nữ Chăm, đời sống của người Chăm và cả mảng tranh khỏa thân khá độc đáo, có người đã gọi lối vẽ này theo khuynh hướng tân hiện thực?

Bạn bè nhận xét khuynh hướng vẽ tôi là tân hiện thực. Tôi thì chỉ biết ham vẽ. Ngay từ đầu, có lẽ từ ý thích các gam màu nổi bật khi cầm cọ, tôi đã tìm thấy sắc màu của dân tộc Chăm quá đẹp, quá phong phú và thích hợp với kiểu vẽ của mình. Thế rồi… vùng đất nhiều gió cát, xương rồng, tháp cổ đã “ám” tôi suốt 20 năm qua! Tôi vẽ nhiều hình tượng người phụ nữ Chăm, thiếu nữ Chăm; sự giao truyền nghề dệt, nghề gốm truyền thống; những nét sinh hoạt văn hóa trong đời sống của người phụ nữ Chăm. Khái quát cao nhất qua các góc nhìn về vai trò, về cuộc đời người phụ nữ Chăm trong chế độ mẫu hệ, tôi đã chuyển tải lên tác phẩm liên hoàn khổ tranh lớn có tên Đêm tháp cổ.

Riêng về mảng tranh khỏa thân, tôi quan niệm đó cũng là cách thể hiện cái đẹp của người phụ nữ. Trong cách thể hiện, yếu tố trang trí cũng được tôi chú trọng khi cần thiết. Mỗi họa sĩ có thể chọn cách thể hiện riêng nhưng tôi quan niệm tranh khỏa thân cũng cần có sự cách điệu và cần có yếu tố huyền ảo, trữ tình hơn là vẽ quá hiện thực.

- Năm mới 2008 sắp đến, một chút thông tin và dự định công việc của chị?

Hiện nay tôi vừa là giảng viên dạy vẽ ở Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM và cũng đang tập trung sáng tác tranh. Tôi nghĩ niềm hạnh phúc lớn nhất của một họa sĩ là được sáng tác, được thể nghiệm và vận dụng trong tác phẩm mình bao nhiêu “châu ngọc của cuộc đời”. Giữa cuộc sống đời thường và nỗi đam mê nghệ thuật đối với những họa sĩ- nhà giáo như chúng tôi gần như lúc nào cũng là thách thức lớn.

Họa sĩ thì chỉ biết sống chết với nghề; còn những điều mình “ngộ” được trong cuộc sống, những kinh nghiệm nghề nghiệp được đúc kết nếu truyền lại cho thế hệ đàn em cũng là điều tâm niệm của tôi. Dự định năm mới thì chưa biết như thế nào nhưng trước hết là vẽ. Gần đây nhất, sau những chuyến đi thực tế với sinh viên, tôi có khuynh hướng vẽ nhiều về những vùng đất quê hương mình đến và về bút pháp, tôi vẫn tiếp tục trăn trở đi tìm nét mới cho tranh của mình.

- Xin cảm ơn họa sĩ.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục