
Nghệ thuật thư pháp là một nét văn hóa độc đáo của nền văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam. Đây là nghệ thuật dùng bút lông viết chữ. Chữ viết ra phải có sức biểu cảm sâu xa. Nội dung và hình thức của một bức thư pháp kết hợp hài hòa trong những chữ viết, mạnh mẽ và uyển chuyển, rắn rỏi và bay bổng. Từ lâu, nghệ thuật thư pháp được nhân dân ta xem như một thú chơi tao nhã. Những năm gần đây, nét văn hóa này càng nở rộ vào mỗi dịp xuân sang…
- Trời đất muôn năm trời đất cũ

Ngày càng có nhiều người trẻ mê viết và chơi thư pháp.
Ảnh: TUẤN HOÀNG
Có thể dùng câu thơ cổ phong ấy để nói về những biểu hiện của thị trường thư pháp khắp Bắc, Trung, Nam mà chúng tôi vừa khảo sát. Những ông đồ Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Cung Khắc Lược (Hà Nội), Minh Hiền (Hà Tây), Nguyệt Đình, Triều Tâm Ảnh (Huế), Trụ Vũ (TP Hồ Chí Minh)… tâm sự rằng mình vẫn giữ cái hồn cốt trong nét bút, lời thơ chứ không dụng công cho bất kỳ một sự làm mới nào để đón mùa thư pháp xuân Đinh Hợi.
Chữ nghĩa thánh hiền mà họ dành tặng tri kỷ, tri âm hay những người yêu chữ vẫn là những bức Hán tự Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh; những câu đối đượm vị xuân: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân đáo càn khôn phúc mãn môn” (Trời thêm tuổi, người thêm thọ/Xuân đến muôn nơi, Phúc đầy cửa); những bức thư pháp họa (viết và vẽ minh họa bằng tranh thủy mặc) các bài thơ, vần thơ tràn trề xuân ý mà vẫn đượm vị Thiền: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai)…
Khi đã đạt đến hồn cốt thì người ta không nệ vào những sự làm mới về mặt hình thức của những bức tranh chữ mà trọng sự tươi mới trong từng đường nét ở mỗi lần múa bút của những ông đồ.
- Cỏ hoa nay khác cỏ hoa xưa
Trong khuôn viên tiền sảnh khách sạn Thanh Thanh (Đà Nẵng), mới xuất hiện một triển lãm độc đáo, trưng bày 300 tác phẩm đá nghệ thuật thiên nhiên (Suiseki) và thạch thư (Basaki) của Trần Ngọc Minh. Bên những viên đá có bề mặt tạo ra dáng dấp hoa văn, hình dáng màu sắc có hình tượng giống các vị Phật, hòn vọng phu, lâu đài, nhà rông..., ở những viên đá đẹp dạng Basaki, Minh đưa vào đó nghệ thuật viết thư pháp chữ Việt hoặc chữ Nho với nội dung phong phú.
Ví như hòn đá mang dáng dấp hòn Phụ tử, anh đề lên đó hai câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; hòn đá có vân như mặt nước hồ thu thì có câu thơ trong truyện Kiều: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… Anh còn làm thơ rồi thảo những nét bút tài hoa lên mặt đá sù sì: “Hồn sỏi đá chưa một lần khuất phục/Bỗng ngập ngừng trước bóng dáng giai nhân”.
Trần Ngọc Minh tâm sự rằng chuyện chơi nghệ thuật đá tự nhiên, nhất là việc phả nghệ thuật thư pháp Việt lên mặt đá thô ráp, là một hành trình về nguồn, để tâm hồn mình hòa với hồn đá, với hồn nước non và điều ấy làm nên sự khác lạ của thị trường thư pháp trên đất Việt trong xuân này.
- Lịch thư pháp: Muốn thành công phải có ý tưởng
Khoảng 5 năm về trước, lịch thư pháp bắt đầu xuất hiện trên thị trường và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi sự độc đáo và đậm nét văn hóa truyền thống. Thế nhưng, năm nay loại lịch này có phần chựng lại và một số “đại gia” trong làng lịch bớt mặn mà với loại văn hóa phẩm này.
Năm ngoái, với ý tưởng đưa thơ và thư pháp lên lịch, Công ty First New đã thắng lớn, đặc biệt bộ lịch có chữ “Mẹ” với nét thảo tựa dòng thác đổ mang dáng hình người phụ nữ đã mang đến xúc cảm cho người xem. Còn năm nay, theo ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc công ty: “Lịch thư pháp được xem là một trong những nét văn hóa có sức truyền cảm rất lớn trong dịp Tết.
Thế nhưng, để làm được một bộ lịch thư pháp rất khó. Ngoài việc tìm người viết chữ, mua bản quyền, chúng ta cần phải có những ý tưởng mới và có sự kết hợp mới có thể tạo ra nét độc đáo cho bộ lịch”. Ngoài ý tưởng, việc thương thảo, mua bản quyền chữ hay thơ của các tác giả hiện nay vẫn chưa có sự chuyên nghiệp.
Một nhà thư pháp tâm sự, nhiều khi thấy chữ của mình viết trang trọng trên tờ lịch, nhưng nhiều “chủ lịch” lại cố tình “quên” tác giả. Trong lĩnh vực này, vấn đề bản quyền cũng đang được đặt ra.
Nếu như không có những đột phá về ý tưởng, về cách thể hiện và sự phối hợp tạo ra sản phẩm độc đáo sẽ dẫn đến sự bão hòa. Theo chị Hương - Công ty Gia Vũ, “Lịch thư pháp hiện nay đã chuyển sang nhiều khuynh hướng mới lạ. Đó là viết thư pháp trên giấy dó, trên gốm, đá… Làm lịch thư pháp chủ yếu là làm văn hóa hơn là lợi nhuận…”.
…Cứ mỗi độ xuân về, nghệ thuật thư pháp luôn có sức hấp dẫn riêng. Tại Trung tâm Văn hóa quận 5, trong khuôn khổ của cuộc thi thư pháp mừng xuân Đinh Hợi, hàng trăm bạn trẻ của những thế hệ 8x, thế hệ @, kiên nhẫn xếp thành hàng dài để chờ xin chữ: Nhân, Trí, Dũng, Công, Dung, Ngôn, Hạnh, Tâm, Nhẫn, Hiếu… và những khách quen, hàng năm vẫn mong chờ có dịp gặp lại những “ông đồ thời hiện đại” trên hè phố Trương Định (quận 3) để hy vọng tìm thêm những chữ đẹp hơn, hay hơn và… xuân hơn…
THẢO LƯ - DUY XUYÊN