Hoàn thành kiểm toán công trình tòa nhà Quốc hội mới trước tháng 5-2015

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị (Chính phủ, Bộ Xây dựng, BQLDA, các nhà thầu và toàn bộ cán bộ, công nhân làm việc trên công trường) trong việc thi công, xây dựng tòa nhà, thay cho Hội trường Ba Đình đã được xây dựng từ những năm 1968 - 1969.
Hoàn thành kiểm toán công trình tòa nhà Quốc hội mới trước tháng 5-2015

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị (Chính phủ, Bộ Xây dựng, BQLDA, các nhà thầu và toàn bộ cán bộ, công nhân làm việc trên công trường) trong việc thi công, xây dựng tòa nhà, thay cho Hội trường Ba Đình đã được xây dựng từ những năm 1968 - 1969.

Sau ngày làm việc đầu tiên để thử nghiệm, UBTVQH sẽ tiếp tục phiên họp tại 37 Hùng Vương để nơi đây hoàn thiện các công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ tổ chức tại đây. Trực tiếp điều hành nội dung làm việc đầu tiên của phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, khi đi kiểm tra công trình, bà rất xúc động vì “anh em chú ý từng chi tiết nhỏ của tòa nhà”. Từ phòng họp UBTVQH, khi công trình hoàn thành, có thể mở cửa kính, rèm để nhìn ra không gian cây xanh rất thoáng đẹp bên ngoài.

Phòng họp chính của tòa nhà Quốc hội. Ảnh: LÃ ANH

Ngay sau đó, khi phát biểu về kế hoạch kiểm toán 2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước hoàn thành việc kiểm toán công trình tòa nhà Quốc hội mới trước tháng 5-2015, “làm sao để đảm bảo tuyệt đối không có tham nhũng, tiêu cực trong tòa nhà này - một công trình kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai, một công viên lịch sử - văn hóa... Đây phải là một công trình an toàn, tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả”.

Vậy là sau 2 năm kể từ ngày chính thức khởi công (ngày 12-10-2012), tòa nhà Quốc hội, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi đã sẵn sàng mở cửa phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Đây sẽ là nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội và đón tiếp các vị khách quốc tế cấp cao. Tòa nhà cao 39m, có kiến trúc hình vuông, phòng họp hình tròn ở giữa, kích thước mặt bằng 102m x 102m, tổng diện tích sàn trên 60.000m2. Mỗi ủy ban có một phòng họp riêng và mỗi đoàn đại biểu Quốc hội cũng có một phòng họp cố định. Khi tiến hành họp tổ, 3 đoàn sẽ họp 1 tổ, riêng tổ Hà Nội và TPHCM sẽ có một phòng họp riêng. Tòa nhà còn có thư viện, phòng truyền thống, phòng họp báo và trung tâm báo chí, phòng tiệc chiêu đãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phòng trưng bày các hiện vật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long, có thể phục vụ tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế.

Ngoài ra, tòa nhà còn có khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ô tô với diện tích trên 17.000m2; đường hầm nối nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60m, có 2 phần đường dành cho người đi bộ và dành cho ô tô. Đường Bắc Sơn được xây dựng thành quảng trường, đảm bảo tổ chức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia theo nghi lễ nhà nước khi tổ chức ngoài trời, có hệ thống đài phun nước chìm tạo cảnh quan cho không gian tòa nhà Quốc hội.

Thiết kế tòa nhà Quốc hội do Liên danh GMP International GmbH - Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức) thực hiện. Đây là phương án kiến trúc đạt giải A trong cuộc thi tuyển trọng kiến trúc nhà Quốc hội và được đánh giá cao qua các cuộc triển lãm lấy ý kiến các nhà khoa học và người dân.

ANH PHƯƠNG

- Nhà Quốc hội cơ bản hoàn thành

Tin cùng chuyên mục