Hoàn thành vai trò điều tiết hàng hóa và giá cả

Theo kế hoạch, ngày 31-3 tới, TPHCM sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) giai đoạn 2002-2017, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện CTBOTT giai đoạn 2017 - 2022

15 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường

Theo kế hoạch, ngày 31-3 tới, TPHCM sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) giai đoạn 2002-2017, đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện CTBOTT giai đoạn 2017 - 2022.

Bình ổn từ giá đến thị trường

TPHCM là trung tâm kinh tế, phân phối vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước. TPHCM hiện không chỉ lo nguồn hàng cho hàng triệu người dân thành phố mà còn là đầu mối cung ứng một lượng hàng hóa rất lớn đi các tỉnh, thành khác. Bên cạnh những đóng góp to lớn cho cả nước, TPHCM cũng là nơi chịu nhiều tác động của những biến động thị trường bất thường. Nhận thức được trách nhiệm và vai trò, song song với việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư để phát triển kinh tế, TPHCM luôn quan tâm đặc biệt đến công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Một trong những công cụ để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này, đó là việc CTBOTT, bắt đầu từ Tết Nhâm Ngọ 2002, với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp (DN) nhà nước được chọn để giao thực hiện là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty Lương thực Thành phố, với cơ chế tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng, lãi suất 0%.

Theo Sở Công thương, việc triển khai CTBOTT tại TPHCM có thể khái quát thành 4 giai đoạn như sau: từ năm 2002-2005, chương trình chưa xác định chủng loại, số lượng hàng hóa cụ thể mà DN nhận vốn để thu mua dự trữ những mặt hàng thuộc lĩnh vực kinh doanh của đơn vị, nhằm cung ứng cho thị trường, góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa hoặc biến động giá trong những ngày cận tết. Việc hỗ trợ vốn vay cho các DN vào thời điểm này chủ yếu mang tính chất ngắn hạn, ổn định tâm lý người tiêu dùng là chính.

Đến giai đoạn 2005 - 2010, đúc kết từ kinh nghiệm thực hiện trước đó, chương trình bắt đầu xác định cụ thể với 8 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo - nếp, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, đường và rau củ quả. Đồng thời, thành phố cũng xây dựng và ban hành phối hợp giữa các sở - ban - ngành, UBND quận, huyện với các DN BOTT; giao nhiệm vụ cho sở, ngành chức năng tìm hiểu, khảo sát thị trường để nắm bắt tình hình diễn biến giá cả, nguồn cung cấp hàng hóa cho thành phố.

Giai đoạn 2010 - 2013, chương trình được mở rộng về quy mô, bổ sung thêm các nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng (cặp, ba lô, túi xách học sinh; đồng phục học sinh, tập học sinh), nhóm mặt hàng sữa và dược phẩm thiết yếu.

Nuôi heo cung ứng thịt BOTT tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG

Giai đoạn từ năm 2013 đến nay, bằng chủ trương, cơ chế chính sách, thông qua hoạt động kết nối ngân hàng - DN, TPHCM đã thành công trong việc xã hội hóa nguồn vốn thực hiện CTBOTT. Theo đó, DN chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình với hạn mức và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng hóa cho chương trình. DN thực hiện các thủ tục vay vốn và giải ngân vốn vay theo quy trình thủ tục do các tổ chức tín dụng tham gia chương trình công bố, hướng dẫn và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay và lãi suất cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng và DN thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn.

Kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng

Bằng chính sách minh bạch, công khai rộng rãi, cơ chế thực hiện hợp lý, CTBOTT tại TPHCM ngày càng thu hút các DN tham gia, có uy tín và sức lan tỏa của chương trình ngày càng mạnh mẽ. Nếu như năm 2002, chương trình có 2 DN tham gia thì đến năm 2016, thành phố đã mời gọi được 86 DN tham gia.

Chương trình cũng góp phần thúc đẩy hạ tầng thương mại, phân phối phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tính đến nay, toàn thành phố đã có 240 chợ, 192 siêu thị, 41 TTTM, hơn 900 cửa hàng tiện lợi, hơn 160.000 cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ với hơn 20 thương hiệu phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, VinMart, FoocoMart, BigC, Lotte, Shop & Go, Circle K, FamilyMart, B’Mart… nhằm phục vụ cho nhu cầu của hơn 13 triệu dân. Trong đó, mạng lưới điểm bán hàng BOTT cũng có sự gia tăng nhanh, năm 2002, chương trình có 242 điểm bán, chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành thì nay đã phát triển được 10.552 điểm bán, phủ kín 24 quận, huyện; đảm bảo cung ứng hàng BOTT đến tận tay người tiêu dùng, kể cả người dân tại khu vực quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh việc không ngừng phát triển các điểm bán, tổ chức cung ứng lượng hàng hóa dồi dào cho thị trường, chương trình đã giúp ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, giá bán của nhiều mặt hàng bình ổn như thịt heo, thịt gia cầm, rau củ quả... đã “nằm lòng”, trở thành giá tham chiếu đối với đại bộ phận người dân thành phố. Biểu hiện rõ nhất, kể từ khi triển khai bình ổn đối với mặt hàng sữa, ngay lập tức tần xuất tăng giá ở các mặt hàng sữa ngoại giảm dần. Phong trào sử dụng sữa nội, chất lượng cao, giá bán rẻ cũng đã được đẩy lên rất cao. Doanh thu đối với các mặt hàng sữa bình ổn của Vinamilk và Nutifood tăng từ 20%-35% ngay  trong những năm đầu thực hiện bình ổn.

 

 Tính chung, trong suốt giai đoạn 2010 - 2016, chỉ số giá tiêu dùng của TPHCM luôn tăng thấp hơn trung bình cả nước, lần lượt năm 2010, CPI TPHCM tăng 9,58%, cả nước tăng 11,75%; năm 2011 là 15,86% và 18,13%; năm 2012 là 4,07% và 6,81%; năm 2013 5,2% và 6,04%; năm 2014 là 1,65% và 1,84%; năm 2015 là - 0,2% và 0,63%; năm 2016 là 4,41% và 4,74%.

 

 Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương, nhìn nhận chính sự điều hành quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, UBND các quận, huyện, TPHCM đã bước đầu hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại. Hàng bình ổn nay đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Lotte mart, Giant, BigC… hàng bình ổn cũng được bố trí ở những khu vực riêng, dễ thấy. Với người tiêu dùng, họ đến siêu thị không chỉ vì đã quen với cách mua sắm văn minh, lịch sự mà ở đó còn có thể mua được đầy đủ các nhóm hàng bình ổn giá.

Hiệu quả từ chương trình bình ổn, cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp TPHCM thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nhiều năm qua.

Với việc tham gia CTBOTT, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển, sản xuất kinh doanh. Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua việc sử dụng từ chính đồng vốn hỗ trợ của thành phố. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường. Chương trình đã góp phần cùng thành phố thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, vì 100% hàng hóa trong chương trình được chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất ở trong nước và mang thương hiệu Việt.

 5 bài học kinh nghiệm

Qua 15 năm triển khai CTBOTT, từ thực tiễn quản lý, điều hành, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, TPHCM rút ra 5 bài học kinh nghiệm: 

Thứ nhất, bài học về sự thống nhất tư tưởng trong hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DN, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tăng trưởng kinh tế ổn định, củng cố lòng tin, tâm lý xã hội; chăm lo thiết thực đời sống nhân dân trong bối cảnh tình hình suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong những năm qua.

 Thứ hai, bài học về nhận định thị trường, cập nhật thông tin, dự báo cung cầu: Chương trình ngày càng được hoàn thiện, cập nhật bổ sung nhiều nội dung mới, điều đó xuất phát từ sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong việc chủ động nắm bắt thông tin, những tín hiệu từ thị trường, thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để xây dựng, đề xuất các giải pháp hữu hiệu; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, góp phần chống nạn ép giá, độc quyền…

Thứ ba, bài học về sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn hàng: xác định rõ các phương thức tạo nguồn hàng, chọn đúng mặt hàng thiết yếu, đúng đối tượng DN để giao nhiệm vụ, đầu tư chiều sâu, tạo đầu ra sản phẩm, chủ động trong cung ứng hàng hóa; kiểm tra giám sát chặt chẽ từ khâu chuẩn bị đầu tư đến sản phẩm được hình thành, đưa ra thị trường nên hàng hóa đảm bảo cân đối cung - cầu, không để thiếu hàng hóa cục bộ, dẫn đến giá cả tăng đột biến.

Thứ tư, bài học về phát triển mạng lưới phân phối: thành công của chương trình thể hiện ở sự kết nối chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng; tập trung phát triển mạnh mạng lưới phân phối tạo điều kiện để hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, giảm các tầng nấc trung gian, giảm chi phí. Trong thực tiễn, nhiều DN đã phát triển kênh phân phối phủ rộng đến các khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, các KCX - KCN; loại hình các kênh phân phối cũng rất đa dạng, không chỉ xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, thành phố còn chú trọng việc sử dụng, khai thác mặt bằng của HTX, DN, chợ truyền thống và trong dân cư; tập trung phục vụ hàng hóa tại những nơi mạng lưới phân phối chưa đáp ứng đủ bằng nhiều phương tiện như bán hàng lưu động; hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Thứ năm, bài học về tăng cường thông tin tuyên truyền: chủ động phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông để tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi của người dân, các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo đài để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh. Thành phố luôn chủ động phối hợp các bộ, ngành trong công tác ổn định cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nâng cao vai trò của các hiệp hội trong việc thực hiện vai trò là cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

(Trích Báo cáo 15 năm thực hiện CBOTT của UBND TPHCM)

Hải Hà - Hùng Mạnh

Tin cùng chuyên mục