Chỉ còn 2 ngày 19 và 20-8 là hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 (nguyện vọng 1), nên trong vài ngày qua, tình trạng thí sinh rút hồ sơ trường này để nộp sang trường khác diễn ra hết sức căng thẳng ở hầu hết các trường đại học top trên, top giữa. Cho đến tận gần 17 giờ ngày 18-8, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vẫn còn vài chục thí sinh, phụ huynh ngồi nán lại để đưa ra quyết định có nộp vào, hay rút hồ sơ ra hay không.
Thí sinh chật vật rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ảnh: Thanh Hùng
Cuối giờ chiều 18-8, thí sinh Nguyễn Thị Huyền (quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngồi ở trước cửa phòng nộp hồ sơ của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với vẻ mặt rất buồn rầu. Đôi mắt của nữ sinh tràn ngập nỗi âu lo khiến người khác bị ám ảnh. Bên cạnh, mẹ em cũng không giấu được nỗi xót con.
Theo chia sẻ của thí sinh Nguyễn Thị Huyền, em được 20,5 điểm khối A. Vốn rất thích học chuyên ngành về kinh tế nên khi thấy Học viện Tài chính công bố mức điểm sàn xét tuyển vào ngành hệ thống thông tin quản lý là 17 điểm em đã nộp hồ sơ vào. Sau nhiều ngày “canh” thông tin thì đến chiều 17-8, Huyền biết không thể có cơ hội vì danh sách thí sinh đăng ký vào đông, điểm lại cao. Vì vậy, sáng 18-8, Huyền và mẹ bắt xe sớm lên Hà Nội rút hồ sơ. “Sau đó em tìm kiếm thông tin ngành mình thích ở các trường khác. Do đọc nhầm thông tin của một ngành về kinh tế ở Đại học Bách khoa nên 2 mẹ con bắt xe về Bách khoa. Đến nơi, kiểm tra lại mới hay mình bị nhầm, điểm vào Bách khoa tất cả các ngành đều cao. Em không có cơ hội”, Huyền cho biết.
Mất vài tiếng ngồi lại trường Bách khoa, Nguyễn Thị Huyền lại lục tìm thông tin trên mạng thông qua chiếc điện thoại đời cũ, sóng 3G chập chờn, em cho biết chỉ còn hy vọng vào ngành hệ thống thông tin quản lý tiếng Pháp của trường Đại học Thương mại. “Nhưng em không thích tiếng Pháp. Hay là về nộp hồ sơ vào Cao đẳng Dược Thái Bình? Hoặc em đợi đến chiều 20-8, khi các trường công bố lần cuối danh sách thí sinh xét tuyển lúc đó sẽ quyết định có nộp vào ngành tương tự của Đại học Thương mại” - Huyền tìm kiếm sự chia sẻ trong hoang mang với những người xung quanh.
Huyền và mẹ cứ ngồi tính toán trong hoang mang như vậy suốt buổi chiều, đến khi đã 17 giờ, mọi người xung quanh hỏi tối nay ngủ ở đâu thì mới giật mình: thôi, phải ra bắt xe về Thái Bình cho kịp. Ngày 20-8, 2 mẹ con sẽ lại bắt xe ngược lên Hà Nội lần nữa để nộp vào một trường tóp giữa nào đó có ngành kinh tế Huyền thích.
Đó chỉ là một trong số hàng ngàn trường hợp thí sinh và phụ huynh đang vất vả, hoang mang rút - nộp hồ sơ xét tuyển hiện nay. Trong những ngày qua, thực sự đã có một cuộc vật lộn rút - nộp hồ sơ của thí sinh, phụ huynh, nhất là ở các trường top trên.
Theo ghi nhận của phóng viên, cuối 18-8, tức là chỉ còn 2 ngày nữa đến hạn chót nộp nguyện vọng 1, vẫn rất đông thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tổng số hồ sơ trường nhận vào là khoảng 10.500 bộ, tới thời điểm này còn gần 7.100 bộ. Như vậy đã có gần 3.500 thí sinh rút hồ sơ. “Số lượng thí sinh tới rút hồ sơ ngày 18-8 đã giảm khá nhiều so với mấy ngày trước (chỉ khoảng 100 thí sinh đến rút hồ sơ trong ngày 18-8). Tuy nhiên, cũng có khoảng số đó thí sinh đến nộp hồ sơ vào, mà toàn thí sinh điểm cao, từ 24 điểm trở lên. Vì vậy, dự báo trong 2 ngày cuối cùng, số lượng thí sinh rút-nộp hồ sơ vẫn sẽ còn biến động vì không ít thí sinh muốn chắc chắn, tránh phải đi lại nhiều nên đến hạn chót mới quyết định nộp hồ sơ.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 18-8, tình trạng căng thẳng cũng diễn ra tương tự. Càng những ngày cuối, việc xét tuyển càng trở nên căng thẳng. Nhiều thí sinh đến rút hồ sơ để nộp vào trường Đại học Sư phạm 2 có điểm chuẩn "mềm" hơn. Hình ảnh chung là thí sinh đi cùng bố mẹ, trên tay phụ huynh và thí sinh đều nhăm nhăm điện thoại hay máy tính bảng để thường xuyên kiểm tra thông tin xét tuyển, danh sách cập nhật của các trường hàng ngày, hàng giờ để theo dõi điểm số của mình ở mức nào, khả năng đỗ, trượt ra sao để nộp hoặc rút để chuyển ngành, trường khác. “Tôi mất ăn mất ngủ từ khi con biết điểm đến nay. Cả nhà loạn hết cả lên suốt ngày chầu chực quán Internet. Còn có 2 ngày nữa thôi. Nộp lên Đại học Sư phạm 2 đỗ thì đỗ, trượt thì trượt. Tôi mệt mỏi quá rồi”, một vị phụ huynh đến từ Ninh Bình than thở.
Tại trường đại học Luật Hà Nội, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng (Hà Đông, Hà Nội) đề nghị Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu cách làm để thí sinh không cần đi lại nhiều mà vẫn rút – nộp được hồ sơ. “Tôi nghỉ làm 2 hôm rồi để rút - nộp hồ sơ cho đứa cháu ở quê Nghệ An. Trước rút ở trường đại học Luật Hà Nội rồi chạy lên Viện Đại học mở Hà Nội để nộp. Giờ xem thông tin thì khả năng vào được trường luật nên lại chạy qua trình rút ở Viện Đại học mở để quay về nộp ở Đại học Luật. Mà 2 chỗ này xa cả chục km, vất vả quá” - ông Dũng cho biết.
Tuy rất vất vả trong việc rút nộp hồ sơ, nhưng đa phần thí sinh, phụ huynh cho rằng, cách đổi mới xét tuyển năm nay tạo cơ hội trúng tuyển cho thí sinh hơn nhưng cách làm chưa phù hợp. Bộ, các sở, các trường cần áp dụng CNTT triệt để để thí sinh chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể rút hoặc nộp hồ sơ xét tuyển qua mạng internet.
| |
LÂM NGUYÊN