
Hàng loạt ngành mới liên quan công nghệ, kỹ thuật
Trước nhu cầu và định hướng phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn của quốc gia, nhiều trường đại học mở ngành học thuộc lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2025, 3 trường thuộc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội là Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Việt Nhật, Trường ĐH Khoa học tự nhiên mở mới các chương trình đào tạo liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ dự kiến tuyển sinh 3 chuyên ngành mới liên quan đến lĩnh vực bán dẫn là Khoa học dữ liệu, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (định hướng thiết kế vi mạch), Công nghệ vật liệu - Vi điện tử.
Ngoài ra, trường cũng mở mới ngành Công nghệ sinh học (chương trình Công nghệ kỹ thuật sinh học) trong mùa tuyển sinh năm nay. Trong khi đó, Trường ĐH Việt Nhật đang nghiên cứu mở chương trình đào tạo Kỹ sư bán dẫn với 100 chỉ tiêu cho năm học tới. Trường ĐH Khoa học tự nhiên dự kiến sẽ hợp tác với Đại học Yang Ming Chiao (Đài Loan, Trung Quốc) để đào tạo hệ cử nhân Công nghệ bán dẫn. Ngoài hệ kỹ sư, cử nhân, các trường sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này, chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia phát minh sáng chế.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường). Theo thông tin tuyển sinh năm 2025 của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường sẽ tuyển sinh đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn). Trường ĐH Công nghiệp TPHCM mở ngành Quản lý năng lượng, ngành Điện hạt nhân. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có các ngành rất mới là ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng (hay còn gọi là Năng lượng mới), Công nghệ giáo dục, Khoa học y sinh - thẩm mỹ (chuyên ngành Khoa học thẩm mỹ)...
Đáp ứng nhân lực cho tương lai
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay. Trong khi đó, theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam hiện chỉ có hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. “Cơn khát” nguồn nhân lực sẽ tạo ra cơ hội việc làm rộng mở với thu nhập hấp dẫn cho những bạn trẻ đam mê và muốn theo học các ngành này. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo danh mục 75 ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, chưa kể các ngành được phép thực hiện thí điểm hoặc bổ sung vào danh mục đào tạo. Bộ GD-ĐT hiện đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo ngành vi mạch bán dẫn ở trình độ đại học và thạc sĩ.
Theo dự thảo, chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn được xây dựng áp dụng với các chương trình cấp bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ theo hướng chuyên sâu về vi mạch, bán dẫn. Chương trình được xây dựng phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam. Theo đó, người tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân, hay kỹ sư bậc 6, bậc 7, hoặc thạc sĩ về vi mạch bán dẫn.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ngành Quản lý năng lượng là một ngành “lai” giữa kinh tế và kỹ thuật - công nghệ. Trong xu hướng phát triển nhanh của các nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thì công tác quy hoạch, phát triển, khai thác vận hành hiệu quả, tiết kiệm các nguồn năng lượng là yêu cầu tất yếu. Do đó, nhân sự phục vụ cho các nhiệm vụ này là yếu tố quyết định. Người học tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, công ty tư vấn thiết kế hệ thống năng lượng, công ty kiểm toán năng lượng... Còn ngành Điện hạt nhân là chuyên ngành mới thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử. Chuyên ngành này được mở nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai.
Chia sẻ thông tin về ngành học Năng lượng mới tuyển sinh năm 2025, ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết, đây là một ngành mới và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu chuyển dịch sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bền vững. Đây là ngành học nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ liên quan đến sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng. Ngành này tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng từ rác thải, năng lượng khí sinh học...
Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức về kỹ thuật điện, cơ khí, vật liệu, môi trường và quản lý năng lượng, nhằm phát triển các giải pháp năng lượng hiệu quả và bền vững. Do đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp rất đa dạng với các vị trí như: kỹ sư năng lượng tại các nhà máy điện, công ty năng lượng tái tạo, chuyên viên tư vấn về năng lượng và môi trường, nhà nghiên cứu trong các viện nghiên cứu hoặc tổ chức quốc tế về năng lượng, quản lý dự án trong các dự án phát triển năng lượng bền vững...