Hoạt động biểu diễn phục vụ quần chúng nhiều rào cản

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân ngoại thành, hàng năm Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức lưu diễn hàng trăm suất diễn phục vụ luân phiên tại các quận huyện. Tuy nhiên để mang đến một chương trình nghệ thuật chất lượng cho với từng khu vực ngoại thành với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, không phải là một việc đơn giản.
Hoạt động biểu diễn phục vụ quần chúng nhiều rào cản

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân ngoại thành, hàng năm Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức lưu diễn hàng trăm suất diễn phục vụ luân phiên tại các quận huyện. Tuy nhiên để mang đến một chương trình nghệ thuật chất lượng cho với từng khu vực ngoại thành với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, không phải là một việc đơn giản.

Một chương trình biểu diễn phục vụ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội.

Diễn phục vụ khó khăn trăm bề

Cũng giống như công việc chuyển nhà với rất nhiều đồ đạc ngổn ngang cần phải tính toán rà soát tỉ mỉ, để chuẩn bị cho một đêm diễn phục vụ ngoại thành, là điều không dễ. Tại Nhà hát Kịch TP, từ trước đó một ngày, tất cả các cảnh trí, phông màn, đạo cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng đều phải được sắp xếp vào từng thùng lớn, sau khi di chuyển đến điểm diễn nhân viên hậu đài lại phải hì hục sắp xếp lại cảnh trí, đạo cụ, lắp ráp các thiết bị kỹ thuật từ nhiều giờ trước giờ biểu diễn.

Đó là chưa kể một số địa phương thiếu thốn về cơ sở vật chất, có khi sân khấu chỉ là bậc thềm của UBND xã hoặc là chiếc xe lưu động đặt trên các con đường lớn. Tình trạng này là thường xuyên gặp phải ở các quận huyện ngoại thành như: Tân Phú, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi. Đó là chưa kể những ngày mưa gió, mọi người phải quay về đợi lịch diễn bù vào hôm sau.

Đối với những chuyến biểu diễn phục vụ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội, sân khấu luôn gắn liền với hình ảnh chiếc xe tải lưu động 2,5 tấn vốn đã trở nên quen thuộc với anh chị em nghệ sĩ và người dân khắp các quận huyện. So với các loại hình nghệ thuật khác, ngôn ngữ trong hát bội thường gây sự khó hiểu khi có sự kết hợp giữa tiếng Hán và tiếng Việt, chính vì thế trước mỗi suất diễn, nhà hát luôn phải nghiên cứu trước từng điểm diễn nhằm lựa chọn diễn các trích đoạn hay cả vở, chuẩn bị kỹ phần dẫn dắt, tóm tắt tác phẩm cho thật dễ hiểu, gần gũi với phần đông người dân ngoại thành.

Từ năm 2010 đến nay, số lượng các suất diễn đã được cắt giảm một nữa. Việc cắt giảm vừa nhằm nâng cao chất lượng cho từng suất diễn, vừa để chia trách nhiệm cho các đơn vị sân khấu tư nhân. Nhưng từ đầu năm 2014, các đơn vị trên đã từ chối. NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, cho biết: “Chúng tôi từng đi diễn phục vụ tại vùng xa, hẻo lánh, từng đến các trại giam ở miền Trung, thế nhưng, phục vụ cũng phải có thù lao chừng mực vừa để đảm bảo chất lượng biểu diễn, vừa để anh em nghệ sĩ trang trải với cuộc sống chứ không thể quá thấp khiến anh em nản lòng”.

Với mức kinh phí 10 triệu đồng cho mỗi suất diễn quả là một con số khiêm tốn. Nếu đi diễn ở các trung tâm, trường trại ở tỉnh, mức kinh phí sẽ tăng lên vài triệu đồng, nhưng tiền xe đi lại cũng đã gần quá nửa.

Nghệ sĩ Huỳnh Mai, phụ trách hoạt động tổ chức biểu diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Nguồn kinh phí hỗ trợ trả thù lao toàn bộ anh em nghệ sĩ, nhân viên sao cho tương xứng, chưa tính tiền xăng xe di chuyển là một bài toán không hề đơn giản. Từ cuối năm ngoái, sở đã hỗ trợ tăng lên 13 triệu đồng cho mỗi suất diễn. Chúng tôi chủ động linh hoạt gói ghém cũng xong, chủ yếu là trên tinh thần diễn phục vụ là chính”.

Vốn được xem là đơn vị nghiêm túc trong hoạt động biểu diễn phục vụ ở ngoại thành, khi được hỏi về kinh phí cho các suất diễn, NSƯT Ngọc Nga, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội chia sẻ: “Nhà hát Nghệ thuật Hát bội vốn thiếu thốn đất diễn nên mỗi suất diễn phục vụ do Sở VH-TT-DL TPHCM phân công là một cơ hội để các diễn viên được sống với niềm đam mê nghệ thuật. Về tiền bồi dưỡng, các nghệ sĩ từ NSƯT đến các nghệ sĩ trẻ mức thu nhập đều ngang nhau từ 50.000 - 100.000 đồng tùy vào nguồn kinh phí của mỗi suất diễn. Nghệ sĩ chủ yếu làm vì cái tâm với nghề là chính chứ khó giữ chân thế hệ kế thừa”.

Chưa hấp dẫn, lôi cuốn

Với chủ trương tuyên truyền những tác phẩm cách mạng đến với đông đảo công chúng, Nhà hát Kịch TP đã phục dựng lại những vở kịch cách mạng trong những năm kháng chiến như Đâu có giặc là ta cứ đi, Mùa xuân (tác giả Ngô Y Linh, đạo diễn Hoàng Duẩn), Trao súng (tác giả Nguyễn Tiến Trung, đạo diễn Hoàng Duẩn) để biểu diễn phục vụ ở các quận huyện vùng ven, ngoại thành. Để tăng tính hấp dẫn cho đêm diễn, một chương trình của nhà hát luôn kết hợp với một tiết mục tấu hài, vài bài hát sôi động để mở màn cho một vở kịch cách mạng. Tuy nhiên chính sự dàn dựng này lại làm cho chương trình trở nên nhốn nháo, khó tiếp nhận.

Cô Trần Thị Thơi, một khán giả ở huyện Bình Chánh cho biết: “Đi xa thế này để biểu diễn miễn phí cũng là một hoạt động ý nghĩa, nhưng có lẽ vì gia đình tôi đã từng xem kịch ở nhiều sân khấu rồi nên theo ý kiến cá nhân tôi, diễn viên trẻ, chưa có tên tuổi lại diễn chưa đạt, các tiết mục múa nhảy, tấu hài không phù hợp với nội dung của vở kịch, lại thêm trang phục, sân khấu không được chăm chút. Đối với những ai đã từng xem kịch thì khó lòng chấp nhận”. Do đặc thù riêng của loại hình kịch nói với mức bồi dưỡng 500.000 đồng cho một nhóm nhạc, 1 triệu đồng cho nhóm hài, 200.000 - 300.000 đồng cho một diễn viên thì khó mà thu hút được các diễn viên nổi tiếng tham gia biểu diễn.

Đa số người dân ở khu vực ngoại thành đều rất ít điều kiện tiếp cận với các loại hình nghệ thuật, nhưng mặt khác họ cũng chưa có thói quen đặt chân đến các nhà văn hóa hay đi xem biểu diễn sân khấu quần chúng vì những nơi này chưa thật sự thu hút họ bằng các chương trình trên truyền hình. Nếu cứ nghĩ rằng vùng sâu vùng xa thiếu sinh hoạt văn hóa nên chỉ biểu diễn với tâm lý “phục vụ” cho đủ số lượng, không xác định được nhu cầu thật của người dân thì sự cố gắng đó cũng khó mang lại hiệu quả.

NGỌC UYỂN

Tin cùng chuyên mục