Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TPHCM: Nhộn nhịp sau tết

Chưa có năm nào, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán khởi động sớm như năm nay. Cũng chưa có năm nào, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá bán các mặt hàng thiết yếu lại ổn định sớm như năm nay. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết Bính Thân 2016 tại TPHCM.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TPHCM: Nhộn nhịp sau tết

Chưa có năm nào, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết Nguyên đán khởi động sớm như năm nay. Cũng chưa có năm nào, hàng hóa dồi dào, phong phú, giá bán các mặt hàng thiết yếu lại ổn định sớm như năm nay. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết Bính Thân 2016 tại TPHCM.

100% cửa hàng, siêu thị kinh doanh trở lại

Còn nhớ, khoảng 5 năm về trước, tháng Giêng vẫn được người dân xem là tháng ăn chơi. Tại nhiều chợ, tiểu thương đóng cửa sạp gần hết tháng Giêng để thực hiện các tour hành hương đi chùa, lễ Phật, cầu cho một năm mới nhiều sức khỏe, “mua may, bán đắt”. Theo đó, các siêu thị cũng thường đóng cửa, nghỉ tết đến hết ngày mùng 3 Tết, thậm chí có một số hệ thống siêu thị còn nghỉ đến ngày mùng 8 Tết mới mở cửa, khai trương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng “lãng thị” sau tết gần như không còn. Tính đến ngày 19-2 (ngày 12 tháng Giêng), tại TPHCM, 100% cửa hàng, siêu thị hoạt động đều đặn trở lại. Tết năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tham gia chương trình bình ổn như Co.opmart, cửa hàng Co.op Food, Satramart, SatraFoods… chỉ nghỉ 1 ngày (mùng 1 Tết), sáng mùng 2 Tết đã mở cửa bán hàng đến 12 giờ trưa. Từ ngày 13-2, (mùng 6 Tết), hầu hết các cửa hàng, siêu thị hoạt động bình thường trở lại. Cá biệt, Trung tâm thương mại Aeon và hệ thống siêu thị Lotte không nghỉ tết nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, các hệ thống cửa hàng tiện lợi như B’s Mart, Circle K, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24 giờ, không nghỉ, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng như bia rượu, nước giải khát, bánh mứt, hàng khô…

Tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ của TPHCM sáng mùng 2 Tết cũng có khá nhiều tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, trái cây bán hàng trở lại. Lượng hàng thực phẩm tươi sống về 3 chợ đầu mối tính đến nay đã đạt khoảng 80%-90% so với mức bình thường nhờ mức cầu chung trên thị trường đang tăng trở lại. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù các siêu thị, cửa hàng mở cửa sớm nhưng do ngày nghỉ kéo dài, người dân đi chơi xa nên lượng khách đến mua sắm chưa nhiều. Nhưng theo các đơn vị, sức mua những ngày sau tết tăng tốt hơn so cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, thực phẩm chế biến. Cụ thể, tại hệ thống Co.opmart tăng 8%-11%; Satra tăng 10%. Riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall kinh doanh liên tục, không nghỉ tết, sức mua tăng khoảng 7% so với cùng kỳ, cao điểm ngày mùng 1 Tết tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái…

Ngay sau tết, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại nhịp độ bình thường

Sản xuất khởi động sớm

Cùng với kinh doanh, trong lĩnh vực sản xuất, năm nay đa số DN sản xuất đã bắt đầu khai trương vào ngày 13-2 (mùng 6 Tết) để chọn ngày tốt cho một năm mới, rồi chính thức làm việc vào ngày 15-2. Tại các hệ thống siêu thị, nhu cầu đặt mua heo sữa để cúng đầu năm của các DN vào những ngày này cũng tăng vọt. Chị Phương Thảo, kế toán của một DN chuyên ngành viễn thông cho biết, vì nhiều lý do về an toàn thực phẩm nên sếp yêu cầu phải vào siêu thị đặt heo cúng, thay vì đặt ở các lò heo quay như trước. Có lẽ, nhờ vậy mà nhu cầu đặt mua heo sữa tại các hệ thống siêu thị uy tín đã tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tổng kết về tình hình thị trường trước, trong và sau Tết Bính Thân 2016, Sở Công thương TPHCM, cho biết, nhìn chung thị trường tết năm nay ổn định, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “vui tết, chơi tết”, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online trên mạng và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa.

Ngay sau tết, nhiều DN lớn đã có đơn hàng và hợp đồng xuất khẩu ngay từ đầu năm. Do vậy, để duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều DN đã tổ chức xe đưa đón và chế độ khen thưởng cho công nhân nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất và giao hàng.

Về giá hàng hóa, vào thời điểm cận tết (28 và 29 Tết), một số mặt hàng thiết yếu như gà ta, thịt heo ba rọi, hoa tươi... ở khu vực các chợ bán lẻ tăng nhẹ do sức mua tăng. Tuy nhiên, mức tăng vẫn được xem là hợp lý do nằm trong biên độ cho phép và trong giới hạn kiểm soát nên người tiêu dùng vẫn có thể trả giá và mua được hàng với giá thấp hơn. Riêng mặt hàng rau củ quả, vào những ngày giáp tết, lượng hàng đổ về TPHCM nhiều nên giá một số loại rau củ như bắp cải, xu hào… giảm bình quân từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Sau tết, nhờ lượng hàng dồi dào, đặc biệt là sự dẫn dắt về giá của các mặt hàng bình ổn nên giá nhiều loại hàng thực phẩm tiếp tục ổn định theo chiều hướng giảm, hàng thủy hải sản ổn định giá.

Riêng các mặt hàng trái cây dùng để chưng và cúng sau tết cũng đang trên đà giảm nhiệt. Giá bán xoài cát Hòa Lộc (loại 1) còn 55.000-60.000 đồng/kg (giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg); thanh long 35.000-40.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh 75.0000-80.000 đồng/kg; hoa cúc mai 30.000-35.000 đồng/bó 5 cành; hoa huệ 80.000 đồng/chục; cát tường 30.000-35.000 đồng/bó; vạn thọ 10.000 đồng/cây… Nhiều tiểu thương cho biết, giá bán các loại trái cây kể trên đã giảm bình quân từ 10.000-20.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày thường trước tết. Có thể, giá sẽ tiếp tục tụt giảm ngay sau rằm tháng Giêng.

Được biết, những năm gần đây, sức mua vào dịp tết không tăng đột biến do người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu buộc các chủ kinh doanh phải mở cửa đón khách sớm hơn và đóng cửa trễ hơn, đảm bảo các chi phí trong kinh doanh. Nói cách khác, doanh thu trong mùa kinh doanh tết đã không còn chiếm tới 30% tổng doanh thu trong năm của nhiều đơn vị, có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “lãng thị” sau tết của giới kinh doanh tại TPHCM không còn phổ biến như trước. “Năng nhặt thì chặt bị” đã trở thành triết lý kinh doanh của các nhà kinh doanh trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này đã thúc đẩy thị trường TPHCM và các DN sản xuất “tỉnh tết” sớm. Họ đã và đang thực sự bước vào cuộc đua mới nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm tài chính 2016.

 Siêu thị thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi mới

Để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, các siêu thị bắt tay với nhà cung ứng tổ chức nhiều đợt khuyến mãi, giảm giá đối với hàng ngàn mặt hàng đến 49%. Điển hình như Big C với chương trình “Quà tặng chào xuân” đã giảm hơn 500 mặt hàng đa dạng từ thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng cho đến quần áo thời trang, đồ chơi trẻ em. Đồng thời, Big C cũng triển khai chương trình bán hàng đồng giá 21.900 đồng cho gần 100 mặt hàng gia dụng nhà bếp. Tại hệ thống Co.opmart cũng đang “chạy” song song nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá tới 50% đối với 600 sản phẩm khác nhau để kích cầu.

Tuy nhiên, mức giảm giá nhiều nhất trên thị trường tại thời điểm này, theo ghi nhận của chúng tôi vẫn là hàng nhãn riêng của các siêu thị như hạt nêm, nước mắm, nước tương, dầu ăn, gạo, phở ăn liền, bún tươi, bột giặt, nước rửa chén, khăn giấy, muỗng, chảo, bộ drap, gối… có mức giảm bình quân 20% đối với tất cả các nhóm sản phẩm. Ngoài ra, các nhà kinh doanh cũng đã dành nhiều ưu ái cho Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2. Với việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn, các nhà kinh doanh hy vọng sức mua sẽ đạt nhiều khả quan trong thời gian tới.

Uyển Như

Tin cùng chuyên mục